Xã hội

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất Lâm nghiệp huyện Quỳ Châu (Nghệ An): Quan tâm lợi ích của dân

Minh Anh 25/05/2018 09:37

(TN&MT) - Thực hiện Thông tư 23/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất, từ năm 2016 đến nay, Quỳ Châu đã giúp được cho gần 570 hộ dân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Nghị định 163. Từ đây, đời sống của người dân nơi đây đã "thay da đổi thịt".

Hỗ trợ cho dân có đất sản xuất

Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, phần lớn người dân ở đây được nhà nước giao rừng đều là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức có hạn. Thực tế này dẫn đến khó khăn trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Năm 2016, huyện Quỳ Châu chỉ đạo chính quyền các xã, thông tin đến nhân dân biết về việc huyện sẽ xem xét, giúp người dân có nguyện vọng chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp. Và để kích cầu, cũng trong năm này Quỳ Châu đã trích 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp nông nghiệp hỗ trợ 50% kinh phí cho người dân làm thủ tục theo quy định.

Một việc làm mà huyện Quỳ Châu thận trọng, quan tâm thực hiện, đó là phải đánh giá chính xác thực trạng rừng tự nhiên sản xuất; chỉ rừng nghèo kiệt hoặc đất trống đổi trọc mới được phép thực hiện thủ tục chuyển đổi. Vì vậy, UBND huyện Quỳ Châu giao trách nhiệm cho Hạt Kiểm lâm phối hợp các phòng chuyên môn và chính quyền các xã thực hiện kiểm tra, đánh giá thực trạng rừng một cách nghiêm ngặt.

images1746117_anh.jpg
Quỳ Châu đã giúp gần 570 hộ dân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Nghị định 163

Qua rà soát, bóc tách rõ ràng đâu là rừng tự nhiên sản xuất cần bảo vệ; đâu là rừng nghèo kiệt không thể phục hồi và đất trống đỗi trọc có thể chuyển đổi trồng rừng thay thế. Từ đó, thực hiện quy trình, lập hồ sơ theo đúng trình tự để ngành có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định tại Thông tư 23 của Bộ NN&PTNT.

Các cán bộ Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu tham gia các cuộc cuộc kiểm tra, rà soát cho hay, các diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn cần bảo vệ, đã được lập hồ sơ, có niêm yết thậm chí đánh số cho từng cây gỗ; bên cạnh đó, có khoảng 8.000 ha đất lâm nghiệp là đất có rừng nghèo kiệt, hoặc đất trống đồi trọc có thể chuyển đổi cải tạo trồng rừng sản xuất.

Xã hội hóa công tác giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất lâm nghiệp

Ở huyện Quỳ Châu, tồn đọng từ năm 2014 đến nay khoảng 15.000 ha đất lâm nghiệp chưa giao được cho dân. Nguyên nhân là bởi không có nguồn kinh phí thực hiện công tác đo đạc, giao đất, cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Nói về nội dung này, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, ông Ngô Đức Thuận cho biết: “Từ năm 2014, tỉnh có chủ trương cấp cho Quỳ Châu 15 tỷ đồng. Nhưng do khó khăn nên đến nay vẫn chưa có. Vì vậy, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp này vẫn do chính quyền cấp xã và cộng đồng các thôn bản quản lý...”.

anh-3.jpg
Phần lớn người dân ở đây được nhà nước giao rừng đều là đồng bào các dân tộc thiểu số

Với quyết tâm hoàn thành công tác giao đất, cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất lâm nghiệp đối với diện tích 15.000 ha còn tồn đọng, Quỳ Châu đang hướng đến việc công tác xã hội hóa, kêu gọi nhân dân chia sẻ, gánh một phần kinh phí. Bài toán xã hội hóa được Quỳ Châu chi tiết, để cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, giao được mỗi ha đất lâm nghiệp cần chi phí 1 triệu đồng. Trong đó, sẽ kêu gọi người dân đóng góp 300 nghìn đồng, 700 nghìn đồng còn lại là từ nguồn ngân sách.

Đồng nhất với giải pháp này, UBND huyện Quỳ Châu đã đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét đồng ý, và lên kế hoạch thực hiện. Trong đó, việc công khai trưng cầu ý kiến nhân dân để tạo được sự đồng thuận là yêu cầu then chốt...

Minh Anh