Lạng Sơn: Đẩy mạnh cấp sổ đỏ cho đồng bào DTTS
(TN&MT) - Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung đẩy mạnh cấp sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân, nhất là đồng bào tộc thiểu số (DTTS), giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
Nâng cao nhận thức cho người sử dụng đất
Thực hiện nhiệm vụ hoàn thành cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các tổ chức, hộ gia định cá nhân theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm, Sở TN&MT Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch thực hiện cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giao nhiệm vụ cụ thể cho Văn phòng Đăng ký đất đai triển khai. Chủ động phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong cấp GCNQSDĐ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Chu Văn Thạch, trước đây, việc thực hiện đăng ký kê khai, cấp GCNQSDĐ của người dân còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa nhận thức rõ về trách nhiệm cũng như quyền lợi khi làm các thủ tục để được cấp GCN. Khắc phục tình trạng trên, Sở TN&MT đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, sử dụng đất.
Nhờ đó, người dân đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức về nghĩa vụ sử dụng đất, chủ động làm các thủ tục đăng ký, kê khai cấp GCNQSDĐ với các thửa đất ở, đất sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ năm 2022 đến nay đã cấp 1.012 GCN cho các tổ chức với diện tích hơn 280ha; cấp cho hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền của Sở được gần 16.000 GCN với hơn 26.000 thửa đất, diện tích trên 4.500ha.
Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của cấp huyện thực hiện cấp GCN thuộc thẩm quyền của UBND các huyện, thành phố với 2.523 GCN, gồm cấp GCN lần đầu và cấp do chuyển mục đích sử dụng đất.
Đến bộ phận "một cửa" của UBND huyện Cao Lộc để nhận sổ đỏ với diện tích gần 1.000m2 đất nông nghiệp, ông Hoàng Văn Khoa, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết, đây là diện tích đất nông nghiệp gia đình canh tác đã lâu, nhưng chưa có GCNQSDĐ. "Được cán bộ xã, huyện tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã nhận thức được sự cần thiết phải thực hiện đăng ký, kê khai để được cấp GCNQSDĐ theo quy định. Với GCN này, gia đình tôi dự định vay vốn ngân hàng để tiếp tục đầu tư trồng rừng, cải thiện đời sống", ông Khoa nói.
Cùng với việc tập trung cấp GCNQSDĐ, Lạng Sơn cũng chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Cổng thông tin khai thác cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai của thành phố Lạng Sơn và 3 huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia thuộc dự án VILG tỉnh; đến nay, đã kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu địa chính 55/62 xã, thị trấn thuộc 3 huyện với trục liên thông LGSP của Bộ TN&MT để chia sẻ dữ liệu đất đai của tỉnh với CSDL quốc gia về dân cư. Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu 8 xã, phường của thành phố Lạng Sơn để đưa vào vận hành, chia sẻ.
Tạo động lực phát triển kinh tế
Song song với công tác cấp GCNQSDĐ cho người dân, những năm qua, công tác giảm nghèo cũng luôn là nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Lạng Sơn quan tâm, thực hiện đồng bộ với nhiều chương trình, kế hoạch, chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ đó, giải quyết kịp thời các vấn đề cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn, xã và huyện nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám, chữa bệnh, học tập, vay vốn, cơ sở hạ tầng…
Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở trong đồng bào DTTS. Trong đó, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (giai đoạn 1), đã hoàn thành hỗ trợ cho 6.009 hộ; chính sách hỗ trợ nhà ở với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (giai đoạn 2), hỗ trợ nhà ở cho 2.848 hộ; chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đã hỗ trợ 4.246 hộ.
Đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,28% so với năm 2021. Đồng bào được tiếp cận kịp thời với các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế xã hội, góp phần thay đổi diện mạo, tạo sức sống, động lực mới để người nghèo, đặc biệt là người dân vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa phát huy nội lực xoá đói, giảm nghèo.
Giai đoạn 2023-2025, Lạng Sơn đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 2,5%/năm (các huyện nghèo giảm từ 4 - 4,5%/năm); phấn đấu 1 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo. Hỗ trợ nhà ở cho 2.092 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó, xây mới 1.160 nhà, sửa chữa 932 nhà.
Để thực hiện mục tiêu trên, Lạng Sơn đã xác định rõ các giải pháp về giảm nghèo trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm của các cấp, các ngành. Triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh nghèo; tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực và các dịch vụ xã hội cơ bản.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo tới mọi tầng lớp nhân, nhất là công tác huy động, vận động người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tích cực học nghề, tham gia các dự án tạo việc làm, các lớp tập huấn, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Tỉnh kêu gọi xã hội hóa xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, giúp người dân an tâm sinh hoạt, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện hơn nữa trong công tác giảm nghèo để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.