Môi trường

Thừa Thiên Huế: Bảo vệ môi trường giúp người dân phát triển kinh tế

Văn Dinh (thực hiện) 16/05/2023 - 20:22

(TN&MT) - Tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường (BVMT), qua đó giúp người dân ổn định và phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

kt-hue-1.jpg
Ông Nguyễn Văn Phương

PV: Qua qua trình quản ý môi trường tại địa phương, xin ông cho biết tổng quan về thực trạng môi trường trên địa bàn  hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Phương:

Qua kết quả quan trắc môi trường hằng năm cho thấy, môi trường đất, nước, không khí ở tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn chung khá tốt. Về chất lượng nguồn nước mặt ở thượng nguồn lưu vực sông Hương so với giai đoạn trước đã có sự cải thiện tại một số khu vực do việc thực hiện các dự án đầu tư cải thiện môi trường, tăng cường quản lý và việc thực hiện các đề án bảo vệ môi trường, đầu tư nâng cấp, cải thiện cảnh quan môi trường một số sông hồ. Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu, cửa sông Hương trong những năm gần đây đã được khắc phục. Chất lượng nước biển ven bờ của tỉnh còn khá tốt với hầu hết giá trị các thông số đặc trưng nằm trong giới hạn cho phép; về môi trường không khí của tỉnh hiện đang ở mức tốt, một số khu vực xung quanh các khu sản xuất công nghiệp và làng nghề, chất lượng không khí có giảm so với chất lượng chung của tỉnh, tuy nhiên vẫn nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn môi trường.

Việc duy trì được tình trạng môi trường nhất là các thành phần môi trường chính phục vụ cho đời sống của người dân tỉnh nhà cũng là do sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự ủng hộ và nhận thưc của các cộng đồng dân cư ngày càng đi lên. Trong đó, điều đáng lưu ý là qua sự giám sát chặt của các cơ quan chuyên môn, các cơ sở/doanh nghiệp trên địa bàn dần dần đi vào khuôn khổ trong việc sản xuất đi đôi với BVMT, nhất là phải thực hiện theo quy định của pháp luật và đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nguồn thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật. Và đây cũng chính là chủ trương chung của lãnh đạo tỉnh trong việc kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, nhưng không đánh đổi môi trường.

kt-hue-2.jpg
Nhà máy xử lý nước thải được xây dựng từ Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế

PV: Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các giải pháp nào để gắn BVMT với việc giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phương:

Phát triển kinh tế gắn với BVMT là một trong những vấn đề quan trọng và ưu tiên bậc nhất đối với Thừa Thiên Huế, qua đó hướng đến mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các giải pháp cứng rắn hơn trong công tác BVMT, hỗ trợ cho phát triển kinh tế. Cụ thể như, kêu gọi đầu tư có lựa chọn, ưu tiên các loại hình ít có nguy cơ gây ô nhiễm, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các công nghệ thân thiện môi trường; luôn quan tâm, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp, người dân khi thực hiện các quy định, thủ tục về BVMT trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.

Kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng và các công nghệ tiên tiến trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường nhằm nâng cao đời sống của người dân, giảm chi phí và lãng phí tài nguyên cho tỉnh nhà. Tiêu biểu là Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn với tổng mức đầu tư 74,555 triệu USD, thiết kế rác thải sinh hoạt vào xưởng đến 600 tấn/ngày, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi đa cấp, phát điện đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt

Tăng cường công tác vận động người dân, các cộng đồng dân cư tích cực tham gia vào các chương trình, đề án về BVMT đặc biệt là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức, từng bước đưa BVMT và vấn đề cốt lõi trong phát triển kinh tế đến tận người dân, nhất là các thế hệ nhỏ, tương lai của tỉnh nhà.

Từ khi phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” vào năm 2019, các địa phương đã hưởng ứng tích cực. Cụ thể, tại huyện Phong Điền đã tổ chức thành lập 8 mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa (IMO), 19 mô hình ngôi nhà xanh, thu hoạch 33.690.000 đồng hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn và trẻ em mồ côi. Tại huyện A Lưới, UBND huyện đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên huyện xây dựng mô hình “Chợ giảm rác thải nhựa” tại chợ A Lưới và chợ Bốt Đỏ, vận động 25 hộ tiểu thương xây dựng mô hình “Quầy hàng xanh”; xây dựng 2 tủ tiếp nhận và phát túi ni lông sạch đi chợ miễn phí; phát hơn 25.000 túi giấy thân thiện với môi trường cho các hộ tiểu thương; phát 50 giỏ đi chợ miễn phí… Tại thị xã Hương Thủy, Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, phường triển khai mô hình “Đổi phế liệu lấy màu xanh” thu hút 4.059 hội viên tham gia, nâng tổng số tiền huy động đến nay trên 300 triệu đồng để tặng quà, hỗ trợ 375 hội viên có hoàn khó khăn phát triển kinh tế.

z4306836763332_a1099b91cf77dc6c7aa705488b935edf.jpg
Phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" giúp người dân phát triển kinh tế

Từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhất là các khu kinh tế - khu công nghiệp - cụm công nghiệp (KKT – KCN - CCN) trên địa bàn; trong đó phải có hạ tầng về xử lý nguồn thải tập trung đảm bảo theo đúng quy định trước khi kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động tại các KKT – KCN - CCN trên địa bàn tỉnh; giao trách nhiệm cụ thể đến từng địa phương trong việc quản lý địa bàn, phải xử lý nhanh, gọn và dứt điểm các khu vực, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tránh để phát sinh điểm nóng trên địa bàn, đồng thời giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác BVMT trên địa bàn. Mới đây nhất vào cuối năm 2022, tỉnh đã khởi công dự án KCN Gilimex với định hướng là KCN xanh – sạch – hiện đại.

PV: Vậy những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải cũng như thời gian tới, tỉnh tiếp tục có những giải pháp, cách làm nào để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến công tác BVMT đến người dân một cách rộng rãi và có chiều sâu hơn?

Ông Nguyễn Văn Phương:

Công tác BVMT của tỉnh đang gặp không ít khó khăn như, địa bàn tỉnh có nhiều khu vực bảo tồn, lưu vực sông nhiều, vùng đầm phá rộng nên công tác kiểm soát chất lượng môi trường các khu vực này có nhiều khó khăn trong việc đồng bộ và tổng thể trong công tác quản lý do thiếu về kinh phí hằng năm cho công tác quan trắc hiện trạng, đầu tư trang thiết bị và nhân lực phục vụ công tác quan trắc. Các CCN chưa được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường, đây cũng là nguyên nhân cũng là thực trạng cho công tác quản lý của các cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương. Các địa phương còn thiếu về lực lượng chuyên môn, chưa sâu sát trong công tác quản lý địa bàn nhất là công tác giám sát công tác BVMT của các cơ sở/doanh nghiệp trên địa bàn…

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ Sở TN&MT xây dựng kế hoạch và phối hợp các cơ quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cho hộ gia đình, cá nhân, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư với nhiều hình thức. Tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh”. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thì tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo tập huấn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Trung ương, của tỉnh về BVMT và giải pháp về BVMT.

Theo dự thảo Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu giảm nghèo theo hướng đa chiều, bao trùm và bền vững như sau: Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn 2,0 - 2,2%;  cuối năm 2025, huyện A Lưới và 100% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước. Đảm bảo nguồn vốn cho vay 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi, đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định.

Văn Dinh (thực hiện)