Xã hội

Quảng Trị: Hỗ trợ người dân phát triển sinh kế tại 16 xã vùng biển

Tiến Nhất 20/04/2018 17:08

(TN&MT) - Sở NN&PTNT Quảng Trị vừa tổ chức hội nghị tổng kết cử cán bộ tăng cường về cơ sở hỗ trợ phát triển kinh tế tại 16 xã, thị trấn bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2018.

Tại tỉnh Quảng Trị, sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) cách đây gần 2 năm đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tỉnh Quảng Trị, ước tính, trên 8.000 hộ, gần 16.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp, trên 3.000 tàu thuyền của tỉnh bị ảnh hưởng, giá trị thiệt hại về kinh tế lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương vào cuộc, quyết liệt ứng phó, khắc phục sự cố nhằm ổn định đời sống nhân dân. Một trong những giải pháp hiệu quả đó là Sở NN&PTNT Quảng Trị đã cử 32 cán bộ chuyên môn tăng cường bám trụ tại 16 xã, thị trấn để cùng với chính quyền địa phương hướng dẫn nhân dân kê khai thiệt hại, chuyển đổi sản xuất, phát triển sinh kế.

untitled.jpg
Sau sự cố môi trường, bà con ngư dân đã sớm thay đổi phương thức sản xuất, kết hợp giữa đánh bắt và trồng trọt

Đến nay, đã có gần 80 mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi bức tranh “u ám” về kinh tế do sự cố môi trường biển gây ra cách đây gần 2 năm. Một số mô hình qua một thời gian triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi đời sống của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng như: Mô hình trồng dứa năm 2017 tại xã Trung Giang (Gio Linh), xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh) được Công ty Đồng Giao (Ninh Bình) bao tiêu đầu ra; mô hình trồng ném trên cát tại các địa phương vùng biển với năng suất 2,5 - 3 tạ/sào, hiệu quả kinh tế cho bà con lãi từ 25 - 30 triệu/ha; mô hình nuôi bò, lợn nái, lợn thịt, gà... bước đầu cũng mang lại hiệu quả tích cực, đem lại niềm tin cho người dân...

Bên cạnh đó, song song với việc tham mưu, triển khai xây dựng các mô hình, lực lượng cán bộ tăng cường cũng đã đề xuất và phối hợp triển khai tổ chức 26 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về nuôi tôm, cá, kỹ thuật trồng rau cũ quả, kỹ thuật nuôi bò, lợn, gia cầm, trồng ném... hướng dẫn kỹ thuật khai thác và sử dụng các trang thiết bị hiện đại trên tàu lưới rễ bùng nhùng, lưới vây có công suất trên 400CV. Đến nay, ngư dân Quảng Trị đã bám biển khai thác hải sản, các hoạt động khai thác thủy sản được đẩy mạnh theo hướng phát triển khai thác xa bờ, từng bước giảm khối lượng tàu dưới 30CV; tăng cường phát triển mô hình tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển; chủ động trang bị đồng bộ ngư lưới cụ, thiết bị hàng hải, ứng dụng máy dò ngang thế hệ mới...

Nhiều tàu cá xa bờ của ngư dân liên tiếp trúng mẻ cá lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là tín hiệu thuận lợi cho bà con ngư dân trong việc khôi phục các hoạt động đánh bắt thủy hải sản truyền thống, đồng thời kết hợp với việc xây dựng các mô hình sinh kế, sớm ổn định cuộc sống cho bà con nhân dân vùng biển.

tai-xuong(1).jpg
Mô hình trồng dứa trên cát được áp dụng tại một số địa phương ven biển

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết: Quảng Trị là tỉnh duy nhất trong 4 tỉnh thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra thực hiện việc tăng cường cán bộ về cơ sở. Với sự chỉ đạo của chính quyền địa phương cũng như sự phối hợp của các cơ quan chức năng đây là động lực rất lớn đối với người dân vùng bị thiệt hại từng bước khắc phục sự cố môi trường biển và là động lực quan trọng để nhóm cán bộ tăng cường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Tuy vậy, hiện nay, 32 cán bộ này về lại cơ quan chủ quản để tập trung công tác chuyên môn, do đó trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu, có các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ. Mặt khác đề nghị chính quyền các xã, thị trấn cần có sự chủ động trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế. Trong đó cần tiếp tục tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, hướng dẫn người dân sản xuất, chăn nuôi, nhân rộng các mô hình chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập...” - ông Võ Văn Hưng nói.

Tiến Nhất