Sóc Trăng: Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số
(TN&MT) - Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều chương trình, chính sách về đâu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm trong đồng bào dân tộc thiểu số được các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tập trung triển khai thực hiện.
Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2018 của UBND tỉnh Sóc Trăng, tính đến thời điểm này, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,7%; tỷ lệ hộ Khmer có điện sử dụng đạt 98%; có 53% số hộ dân Khmer trên địa bàn tỉnh sử dụng hố xí hợp vệ sinh; 335.626 người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế...
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017- 2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho 768 hộ dân với tổng kinh phí trên 31,1 tỉ đồng; 7.415 hộ dân được hỗ trợ chuyển đổi nghề; 2.570 hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho trên 6.700 lao động là người dân tộc thiểu số;....
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 28,75%; có 18 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí... Từ những chính sách hỗ trợ này, đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, các hoạt động sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện diễn ra đúng theo truyền thống.
Song song đó, Sóc Trăng luôn quan tâm đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống các trường từ nhà trẻ đến trung học phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và thực hiện tốt các chính sách giáo dục dân tộc. Từ đó, đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 269.617 học sinh, trong đó, học sinh là người dân tộc Khmer, Hoa chiếm 36,07% (95.448 học sinh); toàn tỉnh hiện có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú với 92 lớp, 2.027 học sinh; có 156 trường dạy song ngữ Việt - Khmer, 5 trường phổ thông dạy song ngữ Việt - Hoa; 1 trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ;...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Ngô Hùng cho biết, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần và tạo cơ hội cho người dân có điều kiện tiếp cận các nguồn lực để phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hộ gia đình trên địa bàn tỉnh nói chung và trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Qua việc triển khai thực hiện chương trình, chính sách này, bộ mặt nông thôn không ngừng được đổi mới, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc được đầu tư hoàn thiện, tình hình an ninh chính trị cơ bản ổn định, tình đoàn kết 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa tiếp tục được củng cố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng gặp một số khó khăn như tình hình cán bộ làm công tác dân tộc chưa ổn định, nhất là ở cơ sở, nên việc tham mưu triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc tại địa phương còn nhiều hạn chế,...
Ông Ngô Hùng kiến nghị, trước những khó khăn đó, thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách và cơ chế riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyển dụng, bố trí và sử dụng cán bộ, nhất là đối với học sinh tốt nghiệp đại học mới ra trường, đảm bảo nguồn cán bộ theo tỉ lệ được phê duyệt... Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét phân bổ đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; bố trí kinh phí để xây dựng lò hỏa táng cho các chùa Phật giáo Nam tông Khmer;...