Đề án môi trường lan toả ở xã Mường Trai
(TN&MT) - Để chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH, Đoàn Thanh niên xã Mường Trai đã có nhiều cách làm sáng tạo như: Xây dựng lò đốt rác, trồng hoa ban, nuôi dê nhốt chuồng, nuôi cá lồng bè, phát triển du lịch lòng hồ
Mường Trai là xã vùng 2 của huyện Mường La (tỉnh Sơn La), thuộc vùng di dân tái định cư Thủy điện Sơn La. Trước kia, 2.075 người dân trong xã chủ yếu là dân tộc Thái và La Ha sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi (trồng ngô, sắn và nuôi trâu, bò).
Từ ngày thủy điện hoạt động, nước dâng làm xã có thêm 1.332 ha diện tích mặt hồ. Để thích nghi với môi trường sống thay đổi cũng như chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Đoàn Thanh niên xã Mường Trai đã có nhiều cách làm Sáng tạo như xây dựng lò đốt rác, trồng hoa ban, nuôi dê nhốt chuồng, nuôi cá lồng bè, phát triển du lịch lòng hồ.
Năm 2017, khi Trung ương Đoàn phát động Cuộc thi “ Xây dựng ý tưởng, đề án Thanh niên chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, từ thực tiễn hoạt động Đoàn xã Mường Trai đã đăng ký tham gia và đoạt giải Nhì cuộc thi, được Trung ương Đoàn tặng băng khen.
Được Tỉnh đoàn Sơn La thông tin, 3 giờ chiều chúng tôi vội rời Thuận Châu, Vượt gần 100km đường đèo dốc, nhiều đoạn
xuống cấp khó đi để kịp có mặt ở Mường Trai tác nghiệp trước khi trời tối.
Lò Văn Bước - Bí thư Đoàn xã - người có sáng kiến xây dựng lò đốt rác đầu tiên tại xã và trồng hoa ban bảo vệ môi trường vui vẻ đón chúng tôi tại khu bến thuyền cho biết: Sau khi tự chế lò đốt rác thủ công của gia đình từ vỏ thùng nhựa đường vào tháng 2/2017. Đến nay, BTV Đoàn xã triển khai xây thêm được 3 lò đốt rác lớn hơn đặt gần khu vệ sinh Trụ sở UBND xã và trường Mầm non, Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Mường Trai.
Đặc biệt mô hình của Đoàn xã đã lan tỏa đến 8/10 bản, bà con các bản phấn khởi bảo nhau xây chung mỗi bản 1 lò đốt rác để cho đẹp nhà, sạch bản. Do địa bàn cư trú của bà con cao, dốc lại nằm gần khe, suối và hồ, nên mỗi khi mưa to mọi thứ rác trong quá trình sinh hoạt đều dỗ dàng bị cuốn trôi xuống dòng sông, khe suối, lòng hồ; tác động xấu đến cảnh quan, trồng hoa ban, giữ gìn môi trường
để phát triển du lịch.
Năm 2017, Đoàn xã đã tổ chức trồng và chăm sóc thí điểm 200 cây hoa ban đỏ xen trắng tại Trụ sở UBND xã, dọc tuyến đường từ trạm y tế xã đến bản Phiêng Xe (dài 700 mét), khu chợ của xã. Sau đó, các chi đoàn được giao tự kiếm hạt, ươm cây giống, đến mùa trồng đại trà dọc các tuyến đường nội xã, nội bản và ven hồ Thủy điện Sơn La trên địa bàn xã. Đồng thời, huy động đoàn viên thanh niên đóng góp vật liệu, góp công làm lò đốt rác tại UBND xã, trường học và các bản trên địa bàn xã, gương mẫu trong bảo vệ môi trường; đảm nhận các tuyến đường thanh niên tự quản với phương châm “Xanh - sạch - đẹp”.
Là xã nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của huyện, với cảnh quan lòng hồ khá đẹp, văn hóa phong phú, đa dạng, người dân mến khách, chịu khó, trình độ dân trí khá cao so với các xã trong huyện, nên Ban Thường vụ Đoàn xã đã đi tiên phong trong việc xây dựng các mô hình kinh tế. Đó là, mô hình nuôi cá lồng của gia đình Lèo Thị Pha (Phó Bí thư Đoàn xã) với diện tích 216m2; mô hình trồng cỏ chăn nuôi dê nhốt chuồng, vừa cho hiệu quả kinh tế vừa giữ gìn vệ sinh môi trường của Cầm Văn Hải (UVTV Đoàn xã).
Đặc biệt là mô hình du lịch lòng hồ kết hợp với nhà nổi thưởng thức ẩm thực bản địa trên mặt hồ của Bí thư Đoàn xã Lò Văn Bước đã bám sát quy hoạch, kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con địa phương và nâng cao ý thức giữ gìn môi trường để phát triển du lịch, cải thiện đời sống trong cộng đồng thôn bản.