Khoáng sản

Khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần được sử dụng hiệu quả

Thanh Ngà (thực hiện) 16/05/2023 - 10:38

(TN&MT) - Thời gian qua, công tác quản lý, quy hoạch hiệu quả khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái luôn được tỉnh quan tâm. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Hồ Đức Hợp - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết tình hình hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXDTT trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Hồ Đức Hợp: Trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện có 84 Giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT. Trong đó, tỉnh cấp 51 Giấy phép, Bộ TN&MT cấp 33 Giấy phép (đều là đá vôi trắng). Hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXDTT tập trung chủ yếu ở các huyện: Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ, với các loại khoáng sản gồm: Đá làm VLXDTT; cát, sỏi; đất làm gạch; đá vôi trắng; sét sản xuất xi măng; felspat; thạch anh.

a1.jpg
ông Hồ Đức Hợp - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái

Cơ bản các mỏ đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động, đóng góp ngân sách Nhà nước (NSNN) trên 300 tỷ đồng năm 2022, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đá vôi trắng mang lại hiệu quả kinh tế lớn, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài nghĩa vụ nộp NSNN, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm VLXDTT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp, ủng hộ cho địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng và ủng hộ các hoạt động xã hội…

PV: Sở TN&MT đã triển khai hệ thống văn bản như thế nào để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này của tỉnh được thực hiện đúng quy định pháp luật?

Ông Hồ Đức Hợp: Thời gian qua, Yên Bái đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, như: Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái; phương án bảo vệ khoáng sản, bảo vệ cát, sỏi chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái; 6 Quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh lân cận, gồm: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La và Lai Châu,... góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

PV: Để đảm bảo cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án xây dựng, giao thông, đặc biệt là dự án sử dụng NSNN, Sở đã triển khai các giải pháp nào, thưa ông?

Ông Hồ Đức Hợp: Việc cấp phép và hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXDTT phải bảo đảm nhu cầu trước mắt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm cho nguồn dự trữ lâu dài. Vì vậy, phải được quản lý tập trung, thống nhất, khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả theo định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng các giai đoạn của Bộ Chính trị.

a2-1-.jpg
Công tác quản lý, quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm.

Để đáp ứng được yêu cầu nêu trên, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh lập, phê duyệt các quy hoạch về khoáng sản thuộc thẩm quyền bảo đảm đồng bộ, liên thông, thống nhất với các quy hoạch khác và có tầm nhìn dài hạn.

Theo phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang được lập, việc đánh giá cấp phép, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu quy hoạch của giai đoạn trước đã đề ra. Dự kiến số lượng đưa vào quy hoạch giai đoạn mới đối với khoáng sản làm VLXDTT sẽ tăng lên 24 khu vực, chủ yếu tăng đối với các khu vực đá làm VLXDTT để đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho các dự án xây dựng, giao thông, góp phần sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, trong quy hoạch khoáng sản giai đoạn mới của tỉnh, Sở đã đề xuất đưa vào nội dung “ưu tiên khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực mỏ để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng NSNN”.

PV: Hiện Luật Địa chất và khoáng sản đang được xây dựng, lấy ý kiến. Từ những vướng mắc trong quản lý khoáng sản làm VLXDTT tại địa phương, Sở có đề xuất, góp ý gì vào Luật?

Ông Hồ Đức Hợp: Mới đây, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tham gia ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn bản, về một số nội dung liên quan đến công tác quản lý khoáng sản làm VLXDTT.
Đối với công tác quản lý các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi còn gặp khó khăn về diện tích, cắm mốc giới do loại hình khai thác trên sông nước rất khó xác định, việc kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi theo đúng thiết kế rất khó khăn. Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung có quy định riêng, đặc thù đối với việc thăm dò, quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông (về ranh giới, trữ lượng, công suất…).

Đối với hoạt động khai thác, sử dụng đất san lấp, đây là loại hình khoáng sản đặc thù, dễ khai thác. Hiện nay, nhu cầu đất san lấp cho các dự án nói chung rất lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định riêng về trình tự, thủ tục để phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với khai thác khoáng sản đi kèm tại các dự án chế biến khoáng sản, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định thêm việc cho phép khai thác khoáng sản đi kèm tại các dự án chế biến khoáng sản. Vì thực tế nhiều dự án chế biến khoáng sản như tuyển quặng sắt, đồng có lượng đất đá, bùn thải sau tuyển rất lớn có thể tận dụng làm vật liệu san lấp, làm gạch... nhằm thu hồi tối đa khoáng sản, hạn chế lượng đất đá, bùn thải, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và tăng nguồn thu cho NSNN thông qua các khoản thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Ngà (thực hiện)