Đất đai

Lạng Sơn: Gỡ vướng thủ tục hành chính về đất đai

Hoàng Nghĩa 16/05/2023 - 10:37

Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ chậm giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai của Văn phòng Đăng ký đất đai Lạng Sơn là 1,6%; quý 1/2023 là 1,3%. Tỷ lệ này dù thấp, song trên thực tế, việc giải quyết TTHC về đất đai tại Lạng Sơn còn một số vướng mắc cần sớm tháo gỡ.

Theo số liệu tổng hợp từ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2022, Văn phòng đã tiếp nhận, giải quyết 377 hồ sơ của các tổ chức; gần 38.000 hồ sơ hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, 587 hồ sơ chậm hạn, chiếm 1,6%. Quý 1/2023, đã giải quyết 3.612/3.661 hồ sơ, còn 49 hồ sơ chậm hạn, chiếm 1,3%. Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 của Văn phòng và các chi nhánh đạt 68% so với hồ sơ tiếp nhận.

Thiếu nguồn lực

Theo ông Nguyễn Đại Dương - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến còn tình trạng chậm giải quyết TTHC về đất đai. Điều cơ bản nhất là hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống máy chủ hoạt động chưa ổn định, vẫn còn tình trạng chậm hoặc không truy cập được. 11 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại các huyện, thành phố chưa có trụ sở làm việc riêng; nơi làm việc, kho lưu trữ chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, lưu trữ hồ sơ địa chính.

anh-2-bai-dat(1).jpg
Cổng thông tin dữ liệu đất đai tỉnh Lạng Sơn đi vào hoạt động đã hướng tới công khai, minh bạch toàn bộ các thông tin về đất đai.

Biên chế được giao chưa tương xứng với nhiệm vụ, khối lượng công việc. Với khối lượng hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trung bình 33.000 hồ sơ/năm, 1 cán bộ Văn phòng phải giải quyết khoảng 50 hồ sơ đất đai/tháng. Chưa kể, một số địa phương có lượng giao dịch đất đai lớn như thành phố Lạng Sơn, bình quân một ngày tiếp nhận, xử lý 70 hồ sơ đất đai, chủ yếu là TTHC về chuyển quyền sử dụng đất, giao dịch bảo đảm và cấp đổi Giấy chứng nhận (GCN). Năm 2022, Chi nhánh thành phố có 290 hồ sơ chậm hạn, cao nhất trong các chi nhánh.

Ngoài việc giải quyết hồ sơ TTHC, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai còn tham gia phối hợp giải quyết các vụ việc theo đề nghị của các sở, ngành. Để kịp thời giải quyết các nhiệm vụ, đặc biệt là hồ sơ TTHC, Văn phòng Đăng ký đất đai đang phải ký hợp đồng lao động với 38 trường hợp nhằm giải quyết áp lực về nguồn lực lao động.
Đặc biệt, những năm qua, tình hình biến động đất đai trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Chỉ riêng thực hiện chỉnh lý hồ sơ địa chính do sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập, giải thể các thôn bản, khối phố thì việc chỉnh lý biến động hồ sơ, GCN có khối lượng rất lớn. Sau sáp nhập, giải thể, toàn tỉnh có hơn 252.000 GCN đã cấp bị ảnh hưởng. Đến cuối năm 2022, còn tồn trên 185.000 GCN chưa chỉnh lý, hơn 5.700 mảnh bản đồ địa chính, 292 quyển sổ mục kê, gần 600 quyển sổ sách các loại…

Trong khi đó, phần mềm Elis không ổn định, chưa liên kết hỗ trợ giải quyết hồ sơ TTHC liên thông với các cơ quan có liên quan. Thực tế, TTHC sau khi giải quyết xong, cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh phải cập nhật vào cơ sở dữ liệu địa chính, mất nhiều thời gian giải quyết.

Hoàn thiện 30% cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn người sử dụng đất nộp hồ sơ TTHC trực tuyến gặp nhiều khó khăn, do người dân và doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến các dịch vụ công trực tuyến.

Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân sử dụng đất tự ý chuyển mục đích sử dụng, chưa chủ động thực hiện khai báo khi có biến động đất đai như: Chuyển nhượng trái quy định, không đúng trình tự, thủ tục; làm thay đổi hiện trạng (đào ao, hạ mặt bằng…); lấn chiếm đất đai… gây khó khăn cho quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là cập nhật, chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính. Một số tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện thu hồi đất không thu hồi GCN, hoặc không chuyển GCN đến Văn phòng Đăng ký đất đai để thực hiện chỉnh lý với các thửa đất bị thu hồi toàn bộ hoặc một phần.

Cổng thông tin dữ liệu đất đai tỉnh Lạng Sơn đi vào hoạt động từ 12/1/2022, tích hợp cơ sở dữ liệu địa chính 148 xã, thị trấn; bản đồ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2026, 2021 - 2030 các huyện, thành phố, phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin của người dân, doanh nghiệp. Văn phòng Đăng ký đất đai đã thực hiện chia sẻ dữ liệu 7 huyện đang vận hành trên phần mềm Elis lên trục liên thông tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) của tỉnh; đang phối hợp với đơn vị tư vấn, Trung tâm chuyển đổi số (Sở Thông tin và Truyền thông) để kết nối, lấy dữ liệu Elis cloud đã chia sẻ từ trục LGSP về Cổng thông tin dữ liệu đất đai...

Ông Nguyễn Đại Dương cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng, đẩy mạnh cải cách TTHC, Văn phòng Đăng ký đất đai Lạng Sơn đã và đang tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động. Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa các TTHC đất đai; nỗ lực giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ chậm hạn. Tiếp nhận hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết mức độ 3, 4 trên Cổng thông tin dịch vụ công đạt trên 50% tổng số hồ sơ.

Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu cấp GCN năm 2023. Đẩy mạnh khai thác, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai; thường xuyên cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai vào hồ sơ địa chính dạng giấy và hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính với các xã đã có cơ sở dữ liệu dạng số. Hoàn thiện 30% cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, kết nối liên thông với hệ thống thông tin, cơ cở dữ liệu các sở, ban, ngành, địa phương.

Hoàng Nghĩa