Khoáng sản

Khoáng sản làm VLXD thông thường: Sửa Luật để tăng hiệu quả quản lý - Hướng tới quy định cụ thể về quản lý cát, sỏi lòng sông

Lan Chi 16/05/2023 - 10:35

(TN&MT) - Xuất phát từ thực tiễn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường - VLXDTT (trong đó có cát, sỏi lòng sông) chưa được quy định cụ thể trong Luật Khoáng sản 2010, nhiều bộ, ngành, địa phương đã góp ý về việc bổ sung, làm rõ quy định này trong Luật Địa chất và Khoáng sản.

Luật Khoáng sản 2010 chưa quy định rõ về quản lý cát, sỏi lòng sông

Theo thống kê năm 2022 của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (nay là Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam), đến năm 2021, số lượng giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh là 7.347 giấy phép (2.850 Giấy phép thăm dò khoáng sản và 4.479 Giấy phép khai thác khoáng sản) trong đó, chủ yếu là khoáng sản làm VLXDTT theo Khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010.

cat1.jpg
Khai thác cát, sỏi trên sông Thu Bồn (Quảng Nam).

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam đánh giá: Số liệu này cho thấy khoáng sản làm VLXDTT có vai trò tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua, nhưng tác động của việc khai thác, chế biến khoáng sản này cũng gây ra nhiều tác động đến môi trường, gây bức xúc đến xã hội như khai thác cát, cuội sỏi lòng sông gây sạt lở đất, ảnh hưởng dòng chảy, gây nguy hiểm đời sống người dân, khai thác đất san lấp gây ô nhiễm môi trường và phá hoại công trình hạ tầng...

Đặc biệt quá trình thực hiện quản lý khoáng sản làm VLXDTT cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, chưa xác định khu vực hoạt động khoáng sản để cấp phép hoạt động khoáng sản. Cụ thể, việc thăm dò và khai thác khoáng sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Khoáng sản gặp nhiều vướng mắc do các quy định về yêu cầu chỉ tiêu chất lượng và mục đích sử sụng; chưa được điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định trong các quy hoạch do yêu cầu cấp bách phục vụ các dự án trọng điểm như xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng...

Hơn nữa, các quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông chưa phù hợp với đặc thù của loại hình khoáng sản này; hiệu quả quản lý chưa cao. Quy định của Luật Khoáng sản 2010 chỉ mới quy định chung về khoáng sản làm VLXDTT nói chung mà chưa có các quy định cụ thể về công tác quản lý cát, sỏi lòng sông trong khi đây là loại khoáng sản thiết yếu trong cuộc sống và có đặc thù riêng. Trên thực tế, quản lý nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông luôn phải gắn chặt với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Làm rõ danh mục khoáng sản làm VLXDTT

Một vướng mắc khác được ông Nguyễn Văn Nguyên chỉ rõ là Luật Khoáng sản chỉ điều chỉnh hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thăm dò, khai thác khoáng sản mà không điều chỉnh hành vi tập kết, mua bán, vận chuyển khoáng sản (trong đó có cát, sỏi lòng sông) nên các văn bản hướng dẫn Luật cũng không quy định để điều chỉnh các hành vi này. Tuy nhiên, hoạt động tập kết, mua bán cát, sỏi trái phép là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chưa thể ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép thời gian qua.

Để quản lý các hoạt động liên quan đến cát, sỏi lòng sông (bao gồm cả ở lòng hồ, cửa sông, cửa biển và cả ở ngoài biển) từ khâu lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông theo quy định của pháp luật về khoáng sản gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, đồng thời thống nhất nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương có liên quan đến quản lý cát, sỏi lòng sông, bao gồm cả hoạt động tập kết, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông phù hợp với các quy định của pháp luật khác có liên quan, Luật Địa chất và Khoáng sản phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, phù hợp với tình hình thực tiễn quản lý loại khoáng sản đặc biệt này.

Ngoài ra, Luật Địa chất và Khoáng sản cần rà soát làm rõ danh mục khoáng sản làm VLXDTT được quy định ở Khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 như đất phong hóa từ đá gốc, từ mỏ đá được cấp làm VLXDTT có giá trị sử dụng như nhau...

Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Nguyên nhấn mạnh: “Việc bổ sung quy định về khai thác khoáng sản làm VLXDTT trong Luật Địa chất và Khoáng sản thực sự cần thiết, thể chế hóa được các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo hành lang pháp lý xây dựng các cơ chế phù hợp phát huy hiệu quả hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là đối với thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khai khoáng. Đồng thời, nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản được tăng thêm (từ các nguồn thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản,...) do khuyến khích được đầu tư, kinh doanh”.

Lan Chi