Tăng hỗ trợ Giám sát khí nhà kính: Thúc đẩy ngoại giao và khu vực tư nhân
(TN&MT) - Việc hỗ trợ cho Cơ sở Hạ tầng giám sát khí nhà kính toàn cầu mới đang nhân rộng ra ngoài các thành viên và đối tác của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đối với khu vực tư nhân và ngoại giao rộng lớn hơn.
Giám sát khí nhà kính toàn cầu của WMO sẽ kết hợp các trạm trên mặt đất, phép đo vệ tinh với mô hình hóa và đồng hóa dữ liệu để tăng cường hiểu biết về những gì đang xảy ra với khí nhà kính trong khí quyển nhằm hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và thực hiện Thỏa thuận Paris.
Phát biểu khai mạc Tuần lễ Ngoại giao Khoa học, Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết: Giám sát khí nhà kính toàn cầu hướng tới việc giảm bớt sự không chắc chắn về các nguồn và bể hấp thụ carbon. Sự kiện vừa diễn ra tại trụ sở WMO ở Geneva, Thụy Sĩ, quy tụ hơn 100 nhà ngoại giao, nghị sĩ, nhà nghiên cứu và đại diện doanh nghiệp.
Người đứng đầu Tổ chức Thúc đẩy Khoa học và Ngoại giao Geneva Peter Brabeck-Letmathe đánh giá sự kiện kéo dài một tuần là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm và nhu cầu ngày càng tăng về ngoại giao khoa học trong thời đại khoa học và công nghệ tiến bộ nhanh chóng, sự bùng nổ của các công cụ trí tuệ nhân tạo và những thách thức toàn cầu đối với xã hội.
Ông Martin Chungong - Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới hy vọng sẽ thúc đẩy sự thảo luận giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà lập pháp và nhà khoa học.
Giám sát khí nhà kính là chiến lược ưu tiên
Giám sát khí nhà kính toàn cầu là một trong những chiến lược ưu tiên được thảo luận tại Đại hội Khí tượng Thế giới, cơ quan ra quyết định hàng đầu của WMO. Việc giám sát nhằm mục đích thiết lập sự giám sát phối hợp quốc tế về các khí nhà kính để hỗ trợ cung cấp thông tin kịp thời, có thể hành động cho các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các bên liên quan khác.
Theo WMO, nồng độ CO2 trong khí quyển và các khí nhà kính quan trọng khác tiếp tục tăng; việc thực hiện Thỏa thuận Paris hiện không đi đúng hướng để thế giới có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới mức 20C và tối ưu nhất là 1,50C.
Hơn nữa, bù đắp các-bon vẫn được quản lý kém và giám sát không đầy đủ; hiệu quả của nó như một công cụ để giảm thiểu biến đổi khí hậu hiện đang bị nghi ngờ. Đồng thời, việc thực hiện Thỏa thuận Paris chủ yếu dựa vào ước tính phát thải dựa trên nhiều hoạt động, tuy nhiên những ước tính đó không thể liên kết trực tiếp với nồng độ khí quyển.
Giám sát khí nhà kính sẽ là một cách tiếp cận trong đó kết hợp các quan sát khí quyển và thông tin đầu vào khác với các hệ thống mô hình hóa khí quyển có thể xác định thời gian và địa điểm khí nhà kính đi vào và thoát ra khỏi khí quyển; thông tin này là cực kỳ cần thiết để hỗ trợ giảm thiểu khí hậu.
Cải thiện hiểu biết về chu trình các-bon
Hệ thống giám sát được đề xuất sẽ cải thiện hiểu biết về chu trình các-bon và giúp giảm bớt sự không chắc chắn trong các ước tính về sức mạnh của các nguồn và bể chứa tự nhiên, chẳng hạn như sinh quyển, đại dương và các vùng băng vĩnh cửu. Hiểu được chu trình carbon đầy đủ là rất quan trọng đối với việc lập kế hoạch cho các hoạt động giảm thiểu, vì biến đổi khí hậu được thúc đẩy bởi tổng lượng khí nhà kính trong khí quyển, bất kể nguồn gốc của chúng là tự nhiên hay do con người gây ra.
Ông Lars Peter Riishojgaard - thành viên của WMO cho biết: “Cơ sở hạ tầng giám sát khí nhà kính được đề xuất sẽ tạo nền tảng vững chắc cho các bước giảm thiểu do các Bên tham gia Thỏa thuận Paris thực hiện, đồng thời cho phép họ giám sát và hiểu được hiệu quả hành động của họ. Nó sẽ nâng cao chất lượng kiểm kê phát thải khí nhà kính quốc gia và bổ sung dữ liệu sẵn có cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Chúng tôi cần cung cấp thông tin tốt hơn và có thể hành động hơn nếu chúng tôi nghiêm túc về việc thay đổi hướng đi”.
Đây sẽ là cách tiếp cận từ trên xuống để đánh giá cả quá trình dựa trên các khả năng hiện có trong các quan sát và mô hình hóa trên bề mặt và không gian, cũng như đảm bảo trao đổi kịp thời tất cả các quan sát và dữ liệu. Cần nỗ lực phối hợp toàn cầu cho sự phát triển của các cơ sở hạ tầng và nó đã mang lại thành công trong dự báo thời tiết và giám sát khí hậu được thực hiện bởi Hệ thống Theo dõi thời tiết thế giới 60 năm tuổi của WMO và Hệ thống Theo dõi khí quyển toàn cầu.