Tài nguyên

Thừa Thiên – Huế: “Siết chặt” các dự án chậm tiến độ

Văn Dinh 16/05/2023 - 09:47

(TN&MT) - Nhiều dự án ở Thừa Thiên – Huế đang thi công ì ạch, chậm tiến độ khiến cơ quan chức năng tỉnh phải đưa vào giám sát đặc biệt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, năm 2023 dự kiến có 21 dự án khởi công mới với tổng vốn bố trí dự kiến là 887,7 tỷ đồng. Đến nay, đã có 9 dự án đã được phê duyệt và đủ điều kiện bố trí vốn, trong đó có 4 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tỉnh đã tổ chức khởi công các dự án trọng điểm đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex, dự án đê chắn sóng Cảng Chân Mây giai đoạn 2.

z3224119269570_70ec5c22dbaae93e956a2f81e6ecdae0.jpg
Nhiều dự án ở TP. Huế được đưa vào diện giám sát đặc biệt, trong ảnh là dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế

Để đảm bảo quá trình thực hiện các dự án, tỉnh đã đưa 79 dự án chậm tiến độ vào diện rà soát, giám sát, kiểm tra. Cụ thể, có 5 dự án cần đôn đốc tiến độ thực hiện, 21 dự án cần giám sát đặc biệt, 1 dự án tiếp tục rà soát thu hồi.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành thu hồi 35 dự án/79 dự án chậm tiến độ nói trên, trong đó có 4 dự án không kêu gọi đầu đầu tư, 21 dự án đang được các đơn vị liên quan xây dựng thông tin, tiêu chí kêu gọi lựa chọn nhà đầu tư quan tâm thực hiện.

Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa vào danh sách nhiều dự án chậm tiến độ cần được giám sát đặc biệt như: Dự án đầu tư xây dựng tại khu đất số 4 đường Hà Nội, TP. Huế; dự án xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp 14 - 20 Lý Thường Kiệt; dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế….

329588704_1594922154360240_7102534579905251449_n.jpg
Lãnh đạo Thừa Thiên – Huế kiểm tra tiến độ các dự án trên địa bàn tỉnh

Ông Nguyễn Quang Cường, Phó giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho rằng, phần lớn các dự án trên địa bàn bị chậm tiến độ là do một số nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm, năng lực triển khai so với dự án đề xuất; một số chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, công tác thẩm định, phê duyệt các thủ tục chưa chặt chẽ, chưa kịp thời.

“Hiện UBND tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tăng cường công tác rà soát, giám sát các dự án chậm tiến độ nằm trong danh sách. Đồng thời kiên quyết xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, sử dụng đất đối với các nhà đầu tư không thực hiện dự án theo đúng nội dung cam kết đầu tư, làm căn cứ xử lý ở những giai đoạn tiếp theo”, ông Cường thông tin.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong giai đoạn vừa qua, nhiều dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án du lịch bị tác động rất lớn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các nguồn lực đầu tư đều bị ảnh hưởng dẫn đến chậm tiến độ hoặc chậm triển khai xây dựng. Vì thế, đối với các nhà đầu tư không đủ khả năng triển khai dự án, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi dự án và thực hiện xử lý theo đúng quy định pháp luật.

“Các sở, ban ngành liên quan cần tập trung đổi mới, nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng… để đảm bảo tính chủ động, sẵn sàng trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp phép đầu tư”, ông Bình nói.

Văn Dinh