Tài nguyên nước

Nước - tài sản vô giá đồng bào Tây Nguyên

Nguyễn Trí 23/03/2018 19:40

(TN&MT) - Đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, nông nghiệp được xem là ngành kinh tế chính với tỷ lệ chiếm đến 90%. Do đó, nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

Đối với địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, vốn có 4 con sông lớn chảy qua gồm: Sông Sê San, sông Ba, sông Srêpôk và sông Đồng Nai. Trong đó, lưu vực của các sông Sê San và Srêpôk là 2 phụ lưu quan trọng, đóng góp lượng nước lên đến 18% cho toàn bộ lưu vực sông Mê Kông. Tuy vậy, dưới áp lực của sự phát triển kinh tế như trong nhiều năm vừa qua, hệ sinh thái và cảnh quan trường ở Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng thiếu bền vững. Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp từ năm 2008 - 2014 cho thấy, rừng ở khu vực này đang bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, tổng diện tích rừng đã bị mất là 358.700 ha, tương đương mỗi năm chúng ta đang mất đi hơn 51.000 ha rừng.

thac-nuoc-dep-tai-tay-nguyen-1.jpg
Nước là nguồn tài nguyên quý giá

Bên cạnh đó, việc thiếu quy hoạch thống nhất trong phát triển thủy điện trên những dòng chính của các con sông lớn và dòng nhánh của sông Sê San, sông Ba (Gia Lai), sông Srêpôk (Đắc Lắc) cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước mặt tự nhiên bị chia cắt, phân mảnh và giảm sút mạnh. Hiện nay, Tây Nguyên đã có 190 công trình thủy điện được xây dựng trên các sông, suối với tổng công suất thiết kế vào khoảng 7.923 kW (chiếm 20% công suất hệ thống điện quốc gia). Quá trình mở rộng diện tích không theo quy hoạch của người dân để trồng một số loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, chanh dây... tại khu vực Tây Nguyên cũng dẫn tới tình trạng khai phá đất rừng một cách tùy tiện. Ngoài ra còn có các yếu tố khách quan khác như: Từ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài bất thường đã gây nên sự thiếu bền vững trong vấn đề an ninh nguồn nước tại khu vực này. Nguồn nước ngầm ở đây thậm chí đang trong tình trạng kiệt quệ.

Một yếu tố bất lợi nữa là lượng mưa khu vực Tây Nguyên có sự sụt giảm mạnh, chỉ bằng 50 - 60% so với quy luật nhiều năm, cộng thêm tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài nên nguồn nước ngầm cũng như nước của các con sông, suối suy giảm rõ rệt. Cơn khát lịch sử đang hiện diện từng ngày trên mảnh đất Tây Nguyên. Mực nước ngầm đã giảm sâu đến mức khó có thể khai thác đủ để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân chứ chưa kể có nước để tưới cho cây trồng.

images2685736_62.jpg
Nước của các con sông, suối suy giảm rõ rệt

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tình trạng hạn hán đã xảy ra rất gay gắt ở khắp các tỉnh trong khu vực. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất cũng như đời sống của nhân dân trong vùng, nhất là ở những vùng chưa có công trình thủy lợi hoặc chỉ có công trình thủy lợi nhỏ nên chưa chủ động được về nguồn nước.

Để sớm khắc phục tình trạng này, các tỉnh Tây Nguyên đã nhanh chóng tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiếu nước uống, nước sinh hoạt, thiếu đói, bệnh tật do hạn hán gây ra trên từng địa bàn; kịp thời triển khai các biện pháp tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho đồng bào.

Các tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể cho đồng bào trong việc nạo vét các giếng đào; những gia đình có giếng khoan mà vẫn còn nguồn nước thì tự nguyện bơm nước để giúp đồng bào trong từng thôn, buôn có nước sạch sinh hoạt. Đối với những thôn, buôn thiếu nước sinh hoạt gay gắt, các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách của địa phương để tổ chức nhiều chuyến xe vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến, kiên quyết không để đồng bào thiếu nước. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tuyệt đối không sử dụng nước đục, nước bẩn để ăn uống hay sinh hoạt nhằm tránh nguy cơ nhiễm dịch bệnh do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh gây ra.

Về lâu dài, để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước.

Nguyễn Trí