Trong nước

Chủ tịch Quốc hội: Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện xuất nhập cảnh

Khương Trung 12/05/2023 - 16:25

(TN&MT) - Tại phiên họp về Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ủng hộ với việc sửa đổi luật lần này để tạo điều kiện cho công dân nước mình và nước ngoài trong vấn đề visa để xuất nhập cảnh.

Chiều 12/5 tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

120520230246-z4338952134972_9552d597b5ff19bef1bbdcd68623bb77.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ủng hộ với việc sửa đổi luật lần này để tạo điều kiện cho công dân nước mình và nước ngoài trong vấn đề visa để xuất nhập cảnh.

Dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp cùng một số cơ quan hữu quan.

Xây dựng dự án Luật để đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng

Trình bày tóm tắt Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nêu sự cần thiết, mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật, quá trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật.

Theo đó, Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để yêu cầu các cơ quan nhà nước chủ động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số”.

120520230201-z4338912434395_16c045980b852ed14768b5b480421d74.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nêu sự cần thiết, mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật, quá trình lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật.

Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chưa đáp ứng được các chủ trương, chính sách của Đảng nên cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách này.

Việc xây dựng Luật nhằm bảo đảm các mục đích: Góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật có 03 điều. Cụ thể: Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào 02 nhóm nội dung: Nhóm nội dung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; Nhóm nội dung sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Điều 2 sửa đổi 07 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 02 nhóm nội dung: Nhóm nội dung sửa đổi các quy định của Luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam; Nhóm nội dung sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Điều 3 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định về hiệu lực thi hành.

Dự án Luật giúp nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại

Báo cáo thẩm tra dự án Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ.

120520230240-z4338928732377_3092cf5035b4a5035782ab7d2ef16426.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam…

Về hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu có trong hồ sơ cơ bản đầy đủ, nhiều tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết, có chất lượng; đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội.

Liên quan đến các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới khẳng định, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc bổ sung “Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” bảo đảm phù hợp với các Hiệp định biên giới của Việt Nam ký kết với các nước; bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam.

120520230235-z4338925261754_c0da6f9787d52b2636550eb42590a2d9.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp chiều 12/5

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trí với đề xuất bỏ điểm a, c khoản 2 Điều 15 Luật hiện hành quy định về việc trực tiếp đến nộp các loại giấy tờ chứng minh thông tin cơ bản của cá nhân và bổ sung thêm khoản 9 quy định cho phép người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông nộp hồ sơ trên môi trường điện tử; nhất trí với đề xuất mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật…

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 03 tháng. Đồng thời nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung là mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho công dân vùng lãnh thổ so với chỉ quy định diện cấp đối với công dân các nước như trước đây; mở rộng điều kiện áp dụng “trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam”.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhất trí với việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức khác, du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến, làm rõ tính cấp thiết xây dựng luật để nâng cao hiệu quả quản lý hành chính trong điều kiện mở cửa; sự phù hợp của luật với chủ trương, đường lối của Đảng, với các điều ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia, về tính hợp hiến, hợp pháp và sự đồng bộ, thống nhất trong quy định của pháp luật về lĩnh vực này.

Ngoài ra, các đại biểu cho ý kiến về hồ sơ trình dự án luật; báo cáo đánh giá tác động; việc lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra đã đủ thuyết phục chưa; tên gọi, phạm vi điều chỉnh của luật có hợp lý không; cùng những quy định cụ thể trong luật về việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, việc bổ sung giá trị sử dụng hộ chiếu, thời hạn thị thực điện tử, việc mở rộng cấp thị thực điện tử, nâng thời hạn tạm trú, quy định về khai báo tạm trú... và một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện xuất nhập cảnh

120520230242-z4339018672745_3933879f320d0626550e57e8f522e884.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ủng hộ với việc sửa đổi luật lần này để tạo điều kiện cho công dân nước mình và nước ngoài trong vấn đề visa để xuất nhập cảnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận hồ sơ dự án luật được chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các tài liệu được chuẩn bị công phu, chi tiết và có chất lượng; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2023, đồng thời cho ý kiến thảo luận và thông qua tại một kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hồ sơ dự án luật đề xuất 4 chính sách đều đã bảo đảm phù hợp với Hiến pháp về hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo tương thích với điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính khả thi, dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách được Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động tương đối toàn diện và được thể hiện tương đối đầy đủ trong dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ với việc sửa đổi luật lần này và làm rõ xu hướng sau đại dịch, trên thế giới các nước đều cố gắng tạo điều kiện thuận lợi tối đa để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho công dân nước mình và nước ngoài trong vấn đề visa để xuất nhập cảnh. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nội dung khi trình Quốc hội cố gắng làm rõ hơn nội dung về đàm phán ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến nhận chuyển lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú; đề nghị có những lập luận chặt chẽ hơn nữa để khi trình Quốc hội có được sự đồng thuận, thống nhất cao.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một số nội dung như về hủy hộ chiếu khi công dân không đến nhận, cân nhắc đến phương án xử lý trong trường hợp bất khả kháng, nghiên cứu mở rộng hình thức chuyển hộ chiếu lên công dân theo hình thức gửi bảo đảm…để hỗ trợ tối đa cho công dân.

120520230204-z4339024249507_97e852461a74127bb9944a6e96e4e073.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ủng hộ với việc sửa đổi luật lần này để tạo điều kiện cho công dân nước mình và nước ngoài trong vấn đề visa để xuất nhập cảnh.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cơ bản thống nhất với nội dung nâng thời hạn cấp tạm trú và cho biết quy định liên quan có nhiều cải cách và ưu đãi. Tuy nhiên so với một số nước thì thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam thấp hơn một số nước trong khu vực, các nước cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực nhiều. Do đó cần tăng cường thị thực điện tử, gia hạn tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú và đề nghị cần có lập luận thuyết phục đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội thống nhất bổ sung nội dung vào Chương trình và đề xuất với Quốc hội dung một luật sửa đồng thời hai luật theo thể thức rút gọn. Cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội, góp phần tích cực cho việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vấn đề liên quan đến đến du lịch.

Tích cực tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho biết sẽ tiến hành rà soát, chỉnh sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, báo cáo Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến, bày tỏ sự đồng thuận cao và động viên lực lượng tham gia thực hiện công tác này.

120520230350-z4339064710610_e667e27cbebc39aac1a1e21676540368.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ trưởng cho biết, những người không phải người Việt Nam không phải đối tượng điều chỉnh của luật nên không mâu thuẫn với Luật Căn cước.

Về hình thức khai báo, cơ bản khuyến khích khai báo trên môi trường điện tử, nhưng vẫn có những đối tượng không thực hiện bằng hình thức điện tử nên cần thiết quy định hình thức khai báo bằng phiếu đăng ký như dự thảo luật để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và công tác quản lý.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật trong thời gian ngắn, Ủy ban Quốc phòng, An ninh đã thẩm tra đúng theo quy định của pháp luật.

120520230230-z4338885132327_95692c66757ed4498fca0de1353151de.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ tính cấp thiết của việc sửa đổi luật nhằm khôi phục phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong và ngoài nước. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, hồ sơ dự án luật cơ bản đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp chủ trương đường lối của Đảng, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với các quy định khác của pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số quy định chuyển tiếp để không bị vướng mắc trong thực thi, xác định rõ thời gian có hiệu lực để đảm bảo cụ thể rõ ràng, nghiên cứu các điều ước Quốc tế để tiếp tục đảm bảo tính thống nhất của dự án luật, đảm bảo hồ sơ dự án luật chặt chẽ, khả thi.

Khương Trung