Biến đổi khí hậu

Xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia

Khánh Ly 11/05/2023 - 18:18

(TN&MT) - Ngày 11/5, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã tổ chức Hội thảo khởi động “Nghiên cứu xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia”. Nghiên cứu là cơ sở đề xuất phương án xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao và các-bon thấp, đồng thời tăng cường tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực làm mát.

Hệ thống làm mát bao gồm điều hòa không khí, quạt gió và máy làm mát ước tính chiếm tới 40% nhu cầu điện dân dụng và 25-40% nhu cầu điện năng trong dịch vụ và thương mại/công cộng. Việc Việt Nam liên tục ghi nhận các kỷ lục nhiệt độ trong thời gian gần đây cũng phần nào báo hiệu, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát sẽ gia tăng trong thời gian tới.

anh-1.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo

Theo Kịch bản biến đổi khí hậu, một trong những biểu hiện của BĐKH tại Việt Nam là nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng trung bình là 0,89 độ C. Nhiệt độ không khí tăng cao, các đợt nắng nóng bùng phát nhiều, kéo dài cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu thế gia tăng, làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia đang phát triển có tỷ lệ đô thị hóa cao. Sự gia tăng dân số và thu nhập tăng làm cho nhu cầu làm mát liên tục tăng.

Tuy nhiên, các thiết bị làm mát gián tiếp góp phần gây ra biến đổi khí hậu bằng cách tăng nhu cầu sử dụng điện (phần lớn vẫn được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch) và thông qua việc rò rỉ các chất gây suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính, vốn có khả năng gây nóng lên toàn cầu cao hơn nhiều so với phát thải CO2. “Nếu không được kiểm soát, lượng khí thải từ quá trình làm mát dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba lần vào năm 2100” – ông Quang nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng Dịch vụ dự án của Liên hợp quốc (UNOPS) ký ngày 21/6/2022, Cục Biến đổi khí hậu và UNOPS đã thống nhất thực hiện hoạt động “Nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia (NGCP)”. Trong thời gian qua, các đơn vị tư vấn đã tiến hành nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để đánh giá hiện trạng, bao gồm: công nghệ hiện có, tình trạng thị trường và các chính sách quốc tế/quốc gia đối với lĩnh vực làm mát tại Việt Nam. Từ đó, đề xuất phương án xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia.

anh-3.jpg
Quang cảnh hội thảo

Các kết quả của hoạt động nghiên cứu này sẽ cung cấp dữ liệu cần thiết để Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong quá trình xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2023.

Chia sẻ cụ thể về các bước xây dựng Chương trình, bà Đặng Hồng Hạnh, Công ty Cổ phần tư vấn Năng lượng và Môi trường – đơn vị tư vấn cho biết: Chương trình sẽ tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu, lý tưởng nhất là dưới dạng kiểm kê khí nhà kính chi tiết cho ĐHKK và làm lạnh. Tiếp đó là đánh giá chi tiết các nguồn phát thải hiện tại và dự báo tương lai, cũng như tiềm năng giảm nhẹ phát thải cho các tiểu ngành lạnh khác nhau; xác định các biện pháp giảm nhẹ phù hợp; liên kết các biện pháp và kế hoạch giảm nhẹ trong lĩnh vực làm mát với các lĩnh vực và mục tiêu liên quan khác. Cuối cùng hình thành các chiến lược dài hạn và kế hoạch thực hiện nhằm giảm nhẹ phát thải toàn diện trong lĩnh vực làm mát.

Trên cơ sở này, các cơ quan sẽ xây dựng Chương trình Làm mát xanh với lộ trình rõ ràng, đóng vai trò là nền tảng để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các bên liên quan chính trong lĩnh vực làm mát. Các nghiên cứu sẽ đóng góp xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển ngành làm mát có phát thải khí nhà kính thấp và hiệu quả năng lượng cao, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Dự kiến, các hoạt động nghiên cứu sẽ kết thúc và bàn giao sản phẩm vào cuối tháng 2/2024.

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 91, Điều 92), Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Điều 45, Điều 46); Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã tạo ra khung pháp lý quan trọng trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam. Các yêu cầu về làm mát bền vững cũng đã được đưa vào trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam (2022) và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Khánh Ly