Tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp trên ứng dụng YenBai-S
Sau hơn 1 tháng triển khai thí điểm ứng dụng Công dân số YenBai-S (ứng dụng) trên địa bàn TP.Yên Bái, đến nay đã có trên 50.000 tài khoản cài đặt trên hệ thống, 98% người dân từ 18 tuổi trở lên có đủ điều kiện đã cài đặt ứng dụng.
Ngày 11/5, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội trực tuyến triển khai kế hoạch thí điểm ứng dụng Công dân số YenBai-S trên địa bàn toàn tỉnh. Tại Hội nghị đã đánh giá kết quả thí điểm triển khai ứng dụng YenBai-S trên địa bàn TP.Yên Bái. Theo đó, chỉ trong thời gian rất ngắn đã có trên 50.000 tài khoản cài đặt trên hệ thống, con số này đã thể hiện đây là một ứng dụng rất cần thiết và thiết thực giúp người dân có điều kiện được tăng cường tương tác với chính quyền các cấp.
Phải cung cấp được thông tin người dân, doanh nghiệp cần
Ứng dụng công dân số YenBai-S là ứng dụng trên thiết bị thông minh để người dân giao tiếp với chính quyền và sử dụng các tiện ích. Chữ S, dùng cho tiếng Anh là YenBai Smart tức là Yên Bái thông minh; Tiếng việt chữ S là Số tức Công dân số Yên Bái. Ứng dụng Công dân số YenBai-S đặt mục tiêu “Hướng tới sự hài lòng và hạnh phúc của người dân”.
Ứng dụng Công dân số YenBai-S hiện đang cung cấp 15 tiện ích như: Phản ánh góp ý, tra cứu tiền điện, tiền nước, du lịch, ý tế…Đặc biệt, với hệ thống phản ánh, góp ý người dân có thể phản ánh nhanh chóng, khách quan những vấn đề bất cập, bức xúc đến chính quyền một cách nhanh chóng và được cơ quan chức năng trả lời kịp thời.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy đánh giá: Ứng dụng Công dân số YenBai-S có chức năng thông tin hai chiều giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp được phát huy rất tốt. Ứng dụng này thực chất đây là một nền tảng để duy trì và tăng cường tương tác giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp. Từ trước đến nay tỉnh Yên Bái có rất nhiều kênh tương tác như: Công thông tin điện tử tỉnh, Trung tâm phục vụ hành chính công…nay có thêm ứng dụng Công dân số YenBai-S vừa tích hợp, vừa nâng cấp và vừa mở rộng để tăng thêm khả năng tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
“Như vậy, chúng ta đang hướng tới chính quyền phục vụ, mà đã là phục vụ thì người dân và doanh nghiệp có nhu cầu gì thì chính quyền phải đáp ứng được trên cơ sở những quy định của pháp luật. Ngược lại, người dân và doanh nghiệp cũng phải thực hiện theo các văn bản chỉ đạo điều hành của chính quyền. Tất cả những tương tác đó các bên phải nhận thấy trong đó có sự cần thiết và cần được giao tiếp thường xuyên, liên tục. Nếu chúng ta định vị được điều đó thì ứng dụng này sẽ trở nên cấp thiết với người dân, doanh nghiệp và chính quyền”, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, để ứng dụng này tiếp tục phát huy được hiệu quả, Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Văn phòng UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Điều hành thông minh tiếp tục nghiên cứu giao diện ứng dụng sao cho đơn giản, thân thiện, dễ sử dụng. Nội dung thông báo trên ứng dụng phải thực sự thiết thực, chính xác, kịp thời, liên tục cập nhật theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, cần cụ bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cùng với đó, việc xử lý các phản ánh, góp ý của người dân phải nhanh chóng, kịp thời, minh bạch, đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống ứng dụng cũng như bảo mật thông tin cho người dùng. Đồng thời, thường xuyên tiến hành khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân khi sử dụng ứng dụng cũng như các tiện ích trên ứng dụng…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng, có nhiều ý kiến tham gia về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ứng dụng.
Triển khai ứng dụng trên toàn tỉnh
Sau một tháng triển khai thí điểm ứng tại TP. Yên Bái, trong 15 tiện ích, hệ thống đã tiếp nhận 158 ý kiến phản ánh, góp ý, bình quân mỗi ngày tiếp nhận 5 đến 6 ý kiến. Trong đó, có 102 ý kiến được các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý, tỷ lệ đúng hạn đạt 56%; số đang xử lý là 27%, số quá hạn chưa xử lý 17%. Qua thống kê trên 65% các câu trả lời của các cơ quan chức năng được được người dân đánh giá là hài lòng, 12% là chấp nhận được, tỷ lệ không hài lòng là 17%.
Theo kế hoạch ứng dụng Công dân số YenBai-S sẽ tiếp tục được triển khai thí điểm đồng loạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ ngày 15/5/2023 - 30/6/2023 tới 100% cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, người dân tại các địa phương từ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ căn cước công dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị và TP. Yên Bái trong triển khai ứng dụng Công dân số YenBai-S. Đồng thời, cảm ơn Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT đã hỗ trợ tỉnh Yên Bái, đóng góp cho thành công triển khai thí điểm ứng dụng công dân số trên địa bàn TP. Yên Bái.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Việc triển khai thí điểm ứng dụng YenBai-S trên địa bàn tỉnh Yên Bái là một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Đây là kênh hết sức quan trọng để tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp nhận những ý kiến, phản ánh của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt qua ứng dụng sẽ tăng cường tương tác và sự gần gũi giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.
Để triển khai có hiệu quả ứng dụng trên toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải xác định rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số nói chung, việc triển khai ứng dụng công dân số YenBai-S nói riêng. Phải quyết tâm cao và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó cấp ủy, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để vận động toàn xã hội tham gia sử dụng ứng dụng YenBai-S có hiệu quả, tránh làm theo phong trào, hình thức.
Cùng với đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai ứng dụng. Nhất là việc cung cấp thông tin, xử lý các ý kiến phản ánh, góp ý của người dân phải thực sự trách nhiệm, cầu thị, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải cử cán bộ có năng lực, tinh thần trách nhiệm để tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, phản ánh của người dân để người dân hài lòng, tin tưởng sử dụng ứng dụng.
Mặt khác, đề nghị Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel, Viettel Yên Bái và Công ty hệ thống thông tin FPT tiếp tục hỗ trợ và giúp đỡ tỉnh Yên Bái triển khai ứng dụng trên địa bàn tỉnh có hiệu quả. Tiếp tục đồng hành với tỉnh Yên Bái trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, quan tâm phát triển hạ tầng số, xây dựng cơ sở, hạ tầng cho các thôn, bản có sóng di động kém và mở rộng vùng phủ sóng tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã trao bằng khen cho 3 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham mưu, triển khai Kế hoạch số 15 ngày 16/01/2023 của UBND tỉnh Yên Bái về triển khai thí điểm ứng dụng Công dân số (YenBai-S) trên địa bàn thành phố Yên Bái.