Xã hội

Mang cá tầm lên núi...

Trần Hương 10/05/2023 - 17:39

(TN&MT) - Nhờ dòng nước mát lạnh sinh ra từ lòng núi mà Hoàng Đăng Bình, người thanh niên quê gốc Nghệ An, lên Lai Châu sinh sống, đã mang con cá tầm, loài  cá vốn chỉ sống được nơi ven sông, cửa biển vùng Bắc Cực lên núi cao khởi nghiệp.   Tròn 5 năm, quãng thời gian không dài, nhưng vốn hay làm chịu khó, nhờ nuôi cá tầm, người thanh niên quê Bác không chỉ thay đổi cuộc đời mình mà còn giúp đỡ cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, làm giàu trên vùng núi cao vốn khô cằn, sỏi đá....

Kỷ lục chốn sơn cùng thủy tận

Tháng 4, Lai Châu trời nắng như đổ lửa. Từ trong hang đá tối om, sâu hun hút chảy ra một dòng nước mát trong làm dịu đi cái nóng đầu hè oi ả. Tôi vục tay vốc nước vã lên mặt… Nguồn nước mát lạnh chảy qua một khối núi cao đồ sộ. Ở đó có chiếc hang đá như thể miệng con ếch cốm khổng lồ há suốt cả triệu năm. Ấy là nơi Hoàng Văn Bình, người thanh niên quê Bác vẫn thường đưa vợ con lên ở tránh nóng và cũng là nơi họ an cư lập nghiệp. Cơ nghiệp của vợ chồng Bình là 11 bể cả tầm lẫn cá hồi đã đến kỳ cho thu hoạch. Mỗi năm trừ chi phí, lợi nhuận thu cả tỷ đồng.

a1.-dai-dien.jpg
Anh Hoàng Văn Bình bên bể nuôi cá tầm.

Hôm đó, dẫn đường là cán bộ trẻ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, Nguyễn Đức Cảnh. Đi đường Cảnh nói: Mô hình nuôi cá tầm của vợ chồng anh Bình ở đây được đánh giá là hiệu quả nhất, trung bình mỗi năm đạt 15 tấn. Vượt trội hơn hẳn các mô hình sản xuất về nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Thật sự, chỉ khi nào các mô hình nông nghiệp của bà con mà xác định được đầu ra sản phẩm, làm chủ được kỹ thuật nuôi, trồng thì người nông dân mới mong thoát nghèo được, chị ạ! Đây cũng là mô hình điểm của huyện, đang được địa phương chúng em khuyến khích nhân rộng.

Mục sở thị mô hình nuôi cá tầm của vợ chồng Hoàng Văn Bình, tôi mới thấy được khát vọng làm giàu ở nơi sơn cùng thủy tận của đôi vợ chồng trẻ vô cùng to lớn. Trong căn chòi mái che bằng cỏ gianh vừa là nơi ở, vừa là nơi kinh doanh nhà hàng cá tầm mới thấy được những nỗ lực không ngừng của tuổi trẻ. Khát vọng, ý trí, tinh thần luôn sẵn có trong dòng máu người xứ Nghệ quê Bác. Anh Bình kể: Trước mình làm kỹ sư của Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1. Làm ở đó được 16 năm, đến năm 2012 mình gặp bà xã bây giờ, lúc ấy cô làm cô giáo cấp 1 ở Lai Châu. Lấy nhau rồi tính chuyển vợ về Sa Pa nhưng không chuyển được. Chuyển về xuôi cũng không được. Đất lành chim đậu, mình định cư hẳn ở Lai Châu theo vợ.

a2.jpg
Hang đá nơi nguồn nước mát lạnh chảy ra để  nuôi cá tầm.

Năm 2017 mình bắt đầu chọn mảnh đất này và sinh sống ở đây. Thời gian đầu mình nuôi cá tầm bị thất bại, chết tất cả khoảng hơn 1 vạn con. Khi ấy còn trẻ, bản tính tự tin kiêu ngạo… nghĩ rằng mình đã là kỹ sư có kỹ thuật tay nghề cao sợ gì đổ bể. Nhưng không! Mình đã lầm… muốn giỏi, học thôi chưa đủ mà cần phải có kinh nghiệm từ thực tế.

Năm đó, mưa nhiều, nước đục lâu không trong…lũ cá tầm đang lớn, bỗng gặp đợt mưa kéo dài, hắn chậm lớn còi cọc và dần dần chết hết. Coi như mất trắng. Từ bữa đó, mình cẩn trọng hơn. Giờ thì yên tâm hơn rồi. Mình xây các bể lắng, khi mưa xuống lấy nước vào bể cho lắng bùn, cát rồi mới đưa vào bể cá. Cá có chậm lớn một chút nhưng an toàn. Bây giờ, một số bà con quanh đây mình cho giống về nuôi thử, hy vọng những mô hình cá tầm ở Lai Châu sẽ nhân rộng ra nhiều hơn nữa. Phải như vậy bà con mới thoát nghèo…

Nhân lên những điển hình kinh tế

Nói đến khát vọng làm giàu thì mục tiêu chính của anh Bình là cùng đồng bào làm giàu trên chính mảnh đất Lai Châu. “Có thể nói, tỉnh Lai Châu có nguồn nước rất phù hợp với việc nuôi cá tầm. Đặc biệt, ở huyện Mường Tè, khảo sát 100 thủy điện thì phải có đến 80 - 90% nguồn nước nuôi được cá tầm; độ cao hợp lí, nguồn nước sạch, nhiệt độ đảm bảo dưới 23oC. Tới đây, mình sẽ phối hợp với người dân trên địa bàn mở thêm một số điểm nuôi cá tầm tại huyện Mường Tè. Trước đó mình đã khảo sát được 5 – 6 điểm, nguồn nước rất đảm bảo.” – Anh Bình tâm sự.

Người ta bảo, cá tầm ở Phong Thổ ngon nổi tiếng là vì có nguồn nước chảy ra từ hang động, luôn lạnh dưới 23oC. Có thời điểm nước lạnh xuống 1oC.

Yếu tố nào để nuôi được cá tầm ngon, đảm bảo chất lượng. Thưa anh? - Tôi hỏi.

“Để cá tầm ngon, đảm bảo chất lượng thì nguồn nước nhiệt độ phải lạnh, không vượt quá 23oC. Môi trường nước phải sạch, nguồn thức ăn rất quan trọng. Phải là những thương hiệu nổi tiếng của Pháp, Hà Lan… Khi ấy, thịt cá chắc, dai, ngọt, không tanh, ít mỡ, không ngấy. Thứ đến là các bể cá xây kích thước đủ sâu, trung bình từ 45 – 50m2. Mỗi bể có lắp đặt hệ thống dẫn nước ra vào 24/24. Cá phải được chăm sóc đúng quy trình. Cá nuôi đủ thời gian từ 2 năm trở lên mới cho trọng lượng khoảng 2 – 2,5kg/con. - Anh Bình nói.

a3.jpg
Bể cá tầm của anh  Bình, tại huyện Phong Thổ, Lai Châu

Hiện tại, giá mỗi kilogam cá tầm anh Bình bán ra tại thị trường bán lẻ 280.000đ; cá hồi khoảng 250.000đ/kg. Nếu bán buôn thì dao động từ 250.000đ/kg cá tầm và 220.000đ/kg cá hồi.

Theo chia sẻ của Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ thì mô hình nuôi cá tầm của vợ chồng Hoàng Văn Bình đã được nhân rộng thêm một số xã khác trên địa bàn huyện Phong Thổ. Từ làng du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, (xã Sin Suối Hồ) cho đến xã Tung Qua Lìn, xã Pa Vây Sử…

Cán bộ Cảnh, cho biết thêm: Bây giờ rất nhiều xã cũng đang nhân rộng mô hình do anh Bình chuyển giao kỹ thuật. Anh còn thành lập HTX Dương Yến đầu mối tiêu thụ cá hồi cho các xã kể trên. Trong đó có cả trại cá của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356, xã Tung Qua Lìn và xã Pa Vây Sử, mỗi năm khoảng hơn chục tấn cá thịt. Thị trường của anh chủ yếu là Hà Nội, Nghệ An và tại thị trường Phong Thổ, Điện Biên, Lai Châu.

Trong chuyến đi, tôi có dịp tiếp xúc trò chuyện với Trưởng bản Vàng A Chỉnh, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Cũng là một trong những bản nuôi cá tầm để phục vụ khách du lịch tại bản. Trưởng bản Chỉnh, cho biết: Bản anh cũng có khoảng 5 – 6 hộ nuôi cá tầm để phục vụ khách du lịch. Ngoài việc bán cho khách du lịch tại bản thì còn liên kết với HTX Dương Yến, do anh Bình làm chủ để xuất bán ra ngoài. Cá giống chúng anh cũng lấy từ đó, kỹ thuật nuôi cũng học từ đó.

a4.jpg
Nước suối được dẫn từ hệ thống kênh vào các bể chứa để nuôi cá tầm 

Hiện nay, ngoài sản phẩm cá tươi, thì HTX của anh Bình còn cho ra đời những dòng sản phẩm được làm từ cá tầm cắt khúc đóng hộp, ruốc cá hồi… Song, tôi có cảm nhận rất riêng: giá trị mà loài cá giàu hàm lượng dinh dưỡng đem lại không chỉ từ những chất dinh dưỡng theo bảng phân tích hóa học có trong sản phẩm. Mà trong đó còn có cả giá trị sức lao động của người nông dân miền núi đã được nhân lên rất nhiều lần.

Đặc biệt đối với bà con là người dân tộc thiểu số. Họ đã biết cách tận dụng những dòng suối mát lành, trong xanh không để chảy một cách vô nghĩa... Và cũng từ đây, các mô hình nuôi trồng thủy sản sẽ dày lên, nhân lên những niềm vui và biết đâu vùng đất khô cằn, nghèo khó  sẽ trở thành một "địa chỉ đỏ",  "thương hiệu" lớn về cung cấp cá tầm trong tương lai...

Trần Hương