Môi trường

Bài: 2 - Từ sáng kiến“Cơ sở phục hồi tài nguyên” đến “Trung tâm giáo dục và học tập cộng đồng về môi trường” tại Cù Lao Chàm

Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh (WWF-Việt Nam), Huỳnh Thị Thùy Hương (BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm) 10/05/2023 15:15

(TN&MT) - Các cơ sở phục hồi tài nguyên tại Cù Lao Chàm là mô hình thí điểm hoạt động phân loại và thu hồi tái chế chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng, được bắt đầu triển khai trên quy mô nhỏ với 30 hộ dân từ 01/4/2021 và tăng lên thành 120 hộ từ tháng 12/2022.

Trải qua gần hai năm vận hành, hầu hết các khâu phân loại, thu gom, xử lý đều được thực hiện theo đúng quy trình và đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt là việc tái chế rác thải hữu cơ thành phân compost đã mang lại giá trị thiết thực trong việc xử lý rác thải, giúp giảm áp lực đối với bãi rác tại Eo Gió hiện đã trong tình trạng quá tải.

cu-lao-cham-background.jpg
Cù lao Chàm (ảnh minh họa)

Đầu tư nâng cấp để tăng hiệu quả xử lý rác thải tại cơ sở MRF Bãi Ông

Từ kinh nghiệm vận hành thực tế, nhóm vận hành cơ sở MRF Bãi Ông nhận thấy phương pháp xử lý rác hữu cơ thủ công không chỉ cho ra kết quả thành phẩm không đồng đều, dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài nguyên thấp (5-10%). Ngoài ra phương pháp này còn yêu cầu nhiều thời gian để xử lý nguyên liệu đầu vào, nhưng năng suất xử lý nhìn chung còn chưa cao do thời gian ủ kéo dài. Từ đó, Dự án Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện với WWF-Việt Nam (Dự án) đã hỗ trợ đầu tư và lắp đặt một máy nghiền rác với công suất tối đa là 1 tấn/giờ từ cuối năm 2022. Qua đó giúp nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào cho quy trình sản xuất phân hữu cơ, đồng thời tăng năng suất xử lý nhằm đáp ứng yêu cầu sau khi mở rộng quy mô toàn thôn với khoảng 200 hộ tham gia dự kiến từ năm 2023.

Đối với quy trình sản xuất nước tẩy rửa đa dụng, nhóm vận hành và cộng đồng đã tham gia các buổi tập huấn về quy trình và kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao chất lượng thành phẩm, với mục tiêu tăng cường công tác thu gom vỏ trái cây ở các điểm nước giải khát và chợ để tăng năng suất xử lý và sản xuất dung dịch tẩy rửa. Ngoài ra để nâng cấp thành phẩm với chất lượng đạt tiêu chuẩn, trong năm 2023, Dự án sẽ hỗ trợ cộng đồng đầu tư một số máy móc như thiết bị khuấy, máy đo độ kiềm PH, cũng như hỗ trợ chi phí kiểm định chất lượng thành phẩm để dần chuẩn hóa quy trình sản xuất. Dự kiến sau khi sản phẩm được kiểm định sẽ tổ chức các chương trình ra mắt giới thiệu sản phẩm rộng rãi để tiếp cận được nhiều người dân hơn, hướng đến việc bán sản phẩm này trên đảo thông qua mô hình Sạp hàng Giảm nhựa Cù Lao Chàm

Cơ sở MRF thứ hai ra đời và đưa vào vận hành từ 2023

Nhận thấy những kết quả tích cực của mô hình MRF trong việc thúc đẩy phân loại và tái chế rác tại cộng đồng, góp phần giảm nhẹ gánh nặng về xử lý rác, chính quyền xã Tân Hiệp phối hợp cùng Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã lắp đặt thêm một MRF mới bằng nguồn hỗ trợ từ Dự án nhằm xử lý rác thải tại chỗ cho cộng đồng thôn Bãi Hương, một cộng đồng tách biệt ở cách xa trung tâm hành chính xã Tân Hiệp. Cơ sở MRF Bãi Hương được xây dựng vào tháng 11 năm 2022 trong khuôn viên đất rộng 32m2 tại thôn Bãi Hương, và chính thức được đưa vào vận hành tại Buổi Lễ ra mắt do UBND xã Tân Hiệp chủ trì phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đội Dịch vụ Công ích Cù Lao Chàm tổ chức ngày 07/02/2023.

Tương tự cơ sở MRF Bãi Ông, cơ sở tại Bãi Hương sẽ do 2 nhân công địa phương phụ trách thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt từ 81 hộ gia đình sinh sống tại thôn Bãi Hương. Với tần suất thu gom liên tục 07 ngày/tuần trong tháng 02 và 06 ngày/tuần trong tháng 3, kết quả giám sát trong hơn 1 tháng vận hành đầu tiên thống kê được tổng khối lượng thu gom tại cơ sở MRF Bãi Hương là 1.716,2 kg rác thải. Trong đó rác hữu cơ chiếm tỷ lệ 47,5% với 815,5kg; rác vô cơ chiếm 51,5% với hơn 883,5kg và rác tái chế khoảng 17,2kg chiếm tỷ lệ 1%. Đối với các loại rác sau khi thu gom được sẽ tiến hành phân loại lại, rác vô cơ được tập kết lại và chuyển đến bãi rác Eo Gió, rác hữu cơ được phân loại để làm phân hữu cơ. Nhờ đó, trong một tháng, cơ sở MRF Bãi Hương đã góp phần giảm được 09 chuyến vận chuyển rác từ Bãi Hương đến bãi rác Eo Gió.

mo-hinh-.png
Mô hình MRF tại Bãi Hương

Từ “Cơ sở biến rác thải thành tài nguyên” đến “trung tâm giáo dục và học tập cộng đồng về môi trường”

Các cơ sở MRF ban đầu được xây dựng với mục tiêu là cải thiện tỷ lệ phân loại, thu gom và tái chế chất thải rắn sinh hoạt ở Cù Lao Chàm, từng bước tái chế và tuần hoàn rác thải thành các sản phẩm hữu ích, đồng thời góp phần giảm áp lực xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Bãi rác Eo Gió đang trong tình trạng quá tải. Những thành công bước đầu từ việc triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình MRF là minh chứng thực tế về khả năng đóng góp và hiệu quả tích cực của giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng đối với các khu vực biệt lập với khả năng giảm thiểu và tái chế gần 50% lượng rác phát sinh tại cộng đồng.

Thông qua mô hình MRF, người dân địa phương được truyền cảm hứng để chủ động tham gia, làm chủ vận hành mô hình và tham gia đóng góp tích cực vào việc cải thiện hiệu quả xử lý chất thải rắn sinh hoạt của địa phương. Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước, chính quyền xã Tân Hiệp đã cho thấy nỗ lực triển khai thành công và tiên phong áp dụng phương pháp quản lý dựa vào cộng đồng để cải thiện hiệu quả quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn xã. Không chỉ thuần túy là các giải pháp kỹ thuật có tính khả thi và hiệu quả, mô hình MRF tại Cù Lao Chàm đã khẳng định được tính lan tỏa góp phần thay đổi hành vi cộng đồng, không chỉ tại Cù Lao Chàm mà còn tại những địa phương khác quan tâm đến tham quan học tập mô hình.

Hướng tới mục tiêu xây dựng Cù Lao Chàm trở thành “Hòn đảo không rác thải” và là “Điểm đến xanh – Du lịch bền vững” của Hội An nói riêng và của Việt Nam nói chung, chính quyền địa phương đã và đang cho thấy sự nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả. Trong thời gian tới, đề án “Cải tạo quy trình vận hành của cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Eo Gió” dự kiến sẽ được đề xuất triển khai với mục tiêu biến bãi rác trở thành một trung tâm giáo dục cộng đồng và là nơi mà người dân có thể chia sẻ và học tập về bảo vệ môi trường, đồng thời trở thành một điểm đến trong “Tour du lịch không rác thải” được triển khai thí điểm từ năm 2023.

Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh (WWF-Việt Nam), Huỳnh Thị Thùy Hương (BQL Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm)