Xã hội

Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế): Nâng cao đời sống từ một phong trào môi trường xanh

Văn Dinh (thực hiện) 10/05/2023 - 15:00

Cùng với các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên – Huế, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã được thị xã Hương Thủy thực hiện vô cùng hiệu quả, qua đó giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Lê Bá Minh Hải – Trưởng phòng TN&MT thị xã Hương Thủy.

hthuy-1.jpg
Ông Lê Bá Minh Hải

PV: Xin ông cho biết, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” tại địa phương thời gian qua được thực hiện như thế nào?

Ông Lê Bá Minh Hải:

UBND thị xã Hương Thủy đã tổ chức lễ phát động phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” vào ngày 26/01/2019, chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị được thực hiện rất tốt đem lại hiệu quả cao, thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia.

Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn thị xã đã tổ chức hơn 200 đợt ra quân, thu hút trên 280.000 lượt người tham gia với 4.950 hoạt động lớn, nhỏ. Cùng với việc trồng mới 13.200 cây xanh tại các tuyến đường, các địa điểm công cộng, các địa phương đã vận động nhân dân đóng góp (tiền, ngày công) để hoàn thiện hơn 21 km đường điện chiều sáng tại các xã nông thôn mới; chăm sóc và trồng mới hơn 40 km tuyến đường hoa ở các khu dân cư; thu gom hơn 20.000 tấn rác thải các loại; 100 % trường học thực hiện cải tạo, làm mới các bồn hoa, cây cảnh ở khuôn viên, tường rào; tổ chức hàng trăm đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè, bóc tách quảng cáo, tờ rơi, tháo dỡ biển hiệu lấn chiếm lòng lề đường… Công tác vận động nhân dân tham gia hưởng ứng “60 phút sạch nhà đẹp ngõ” được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể địa phương tích cực triển khai, được các tầng lớp nhân đồng tình, ủng hộ.

hthuy-2.jpg
Người dân Hương Thủy tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”

PV: Được biết, nhiều mô hình trong phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã giúp bà con dần giảm nghèo, ổn định cuộc sống, xin ông thông tin cụ thể thêm?

Bên cạnh kết quả đạt được trong việc thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, nhiều mô hình tiêu biểu đã được thị xã chú trọng chỉ đạo thực hiện, góp phần giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt khó phân hủy, giúp cải thiện môi trường và đồng thời mang lại lợi ích kinh tế giúp một số hộ gia đình tăng thu nhập, góp phần thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Đơn cử, mô hình “Xanh - sạch - sáng - trật tự trị an” được các đơn vị triển khai thực hiện tốt, hầu hết các địa phương điều xây dựng tuyến đường xanh - sạch - sáng - trật tự trị an do các đoàn thể đảm nhận thực hiện đáp ứng tiêu chí xanh. Đối với các cụm dân cư, các tuyến đường chưa có điện chiếu sáng, Thị đoàn Hương Thủy đã triển khai mô hình mỗi năm 1 công trình thanh niên mang tên “Ánh sáng nông thôn mới” tại các xã Dương Hoà, Phú Sơn, Thuỷ Phù, Thuỷ Thanh; đồng thời vận động các hộ gia đình tự nguyện lắp bóng đèn điện chiếu sáng trước cổng nhà, đã góp phần trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện mô hình.

Hay như mô hình “Nói không với túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần”, trong đó đặc biệt là tập trung tuyên truyền các chị em tiểu thương tại các chợ hạn chế sử dụng túi ni lông tiến đến không sử dụng túi ni lông trong buôn bán. Nhiều ban, ngành, địa phương đã tổ chức trao tặng giỏ sách cho các chị em phụ nữ, trao bình thủy tinh thay thế bịch nhựa.

Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, phường đã rất tích cực trong công tác vận động các hội viên triển khai những mô hình thiết thực. Các mô hình “Đổi phế liệu lấy màu xanh” thu hút 4.059 hội viên tham gia, nâng tổng số tiền huy động đến nay trên 300 triệu đồng để tặng quà, hỗ trợ 375 hội viên có hoàn khó khăn phát triển kinh tế. Duy trì và nhân rộng 38 mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” với 2.467 hội viên tham gia. Ngoài ra, đã thành lập mới 12 mô hình “Phân loại và xử lý rác hữu cơ theo phương pháp vi sinh bản địa IMO”, đăng ký đảm nhận 42 tuyến đường tự quản, xây dựng 8 tuyến đường hoa...

hthuy-3.jpg
Tặng giỏ xách nhựa thay thế túi ni lông sử dụng 1 lần cho người dân Hương Thủy

UBND thị xã cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và các đoàn thể tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với sự kiện, ngày lễ lớn về về môi trường trong năm; tổ chức các lớp tập huấn về hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; truyền thông về phân loại, làm phân vi sinh để trồng cây và xử lý rác hữu cơ; triển khai chuyên đề “Phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường” tại từng xã, phường.

PV: Vậy những khó khăn nào đang tồn tại và thời gian tới, thị xã Hương Thủy sẽ tiếp tục duy trì phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” ra sao?

Ông Lê Bá Minh Hải:

Mặc dù các địa phương, đơn vị đã tích cực tuyên truyền và thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh”; tuy nhiên, một số bộ phận người dân vẫn còn chưa hiểu rõ ý nghĩa của đề án, còn thờ ơ với các hoạt động ra quân tại địa phương. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đang trong quá trình triển khai nên bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, còn tình trạng xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Công tác phối hợp giữa các đơn vị trong giải quyết dứt điểm các vấn đề về ô nhiễm môi trường còn hạn chế; nhiều đoạn đường vắng vẫn còn tình trạng đổ trộm rác sinh hoạt, rác thải xây dựng không đúng vị trí; hoạt động phơi nhựa, lông gia cầm trên một số tuyến đường liên phường, xã của các hộ kinh doanh phế liệu vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, hoạt động của một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tái chế giấy trong công nghiệp chưa thực hiện hoàn thành việc khắc phục hậu quả theo các quyết định xử phạt đã làm tăng nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường.

z4306836776350_1f1f98e23c948b084bdd2b2576530d4a.jpg
Mô hình “Đổi phế liệu lấy màu xanh” giúp người dân phát triển kinh tế

Trong thời gian tới, để khắc phục một số tồn tại trên, UBND thị xã tích cực chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị 24-CT/TU và Chỉ thị 07-CT/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế; đẩy mạnh hoạt động ra quân Ngày Chủ nhật hàng tuần nhằm vận động, tuyên truyền và duy trì phong trào, trong đó phát huy vai trò xung kích của các các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội; vận động công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên thanh niên và gia đình sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông sử dụng một lần, phân loại rác thải tại nguồn, bỏ rác đúng nơi quy định; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng cụm Công nghiệp Thủy Phương; đôn đốc theo dõi và giám sát chặt chẽ nguồn thải nhằm giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Cùng với chính quyền địa phương, vận động người dân tham gia và hình thành thêm nhiều mô hình hay có ý nghĩa về môi trường và đem lại giá trị về kinh tế nhằm giúp người dân phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Văn Dinh (thực hiện)