Môi trường

Bài 1: Quản lý CTRSH và tuần hoàn tài nguyên dựa vào cộng đồng ở Cù Lao Chàm – sáng kiến “Cơ sở phục hồi tài nguyên”

Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam), Huỳnh Thị Thùy Hương, (Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm) 09/05/2023 - 21:00

(TN&MT) - Đảo Cù Lao Chàm (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) là một trong những địa phương tiên phong, khởi xướng sáng kiến phân loại rác tại nguồn (PLRTN) từ rất sớm - năm 2009. Rất nhiều nỗ lực và đầu tư của chính quyền địa phương và các dự án phi lợi nhuận đã được thực hiện để tập huấn cho người dân địa phương thói quen phân loại rác tại nguồn.

Trong thời gian đầu triển khai, việc thực hiện PLRTN đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự tham gia của người dân địa phương. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây hiệu quả của chương trình PLRTN giảm dần theo thời gian. Những bất cập trong khâu xử lý tập trung tại Bãi rác Eo Gió là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều hộ gia đình thiếu động lực thực hiện phân loại rác đúng, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) chưa được xử lý triệt để, tỷ lệ chôn lấp không hợp vệ sinh ngày một tăng, gây tác động tiêu cực đến môi trường và các hệ sinh thái trong trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.

Trong bối cảnh đó, UBND xã Tân Hiệp và Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp triển khai thí điểm Cơ sở phục hồi tài nguyên tại Cù Lao Chàm - mô hình thí điểm hoạt động phân loại và thu hồi tái chế chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng.

Cơ sở phục hồi tài nguyên (Material Recovery Facility - MRF) gì?

Để hiểu một cách đơn giản nhất, thì cơ sở phục hồi tài nguyên MRF là một địa điểm diễn ra quá trình tái chế và sử dụng lại các tài nguyên thiên nhiên từ rác thải, với mục tiêu giảm thiểu lượng rác bị thải bỏ và gây ô nhiễm môi trường. Các cơ sở MRF có thể bao gồm các nhà máy tái chế, các trung tâm xử lý rác thải và các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo. Thông thường mỗi một cơ sở MRF sẽ phụ trách xử lý rác của một số hộ gia đình trong khu vực. Rác sinh hoạt từ các hộ gia đình sau khi phân loại theo quy định sẽ được thu gom riêng về cơ sở MRF. Ở đây rác hữu cơ sẽ được tách làm phân vi sinh. Rác tái chế giá trị cao, giá trị thấp đều đem tái chế hoặc bán phế liệu, phần còn lại được thu gom và đưa đến cơ sở xử lý tập trung để đốt hoặc chôn lấp.

1.png
Một khu  ủ phân compost

Tại đảo Cù Lao Chàm, mô hình cơ sở phục hồi tài nguyên được thực hiện thông qua sự hỗ trợ từ Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, Liên minh không Lò đốt Toàn cầu (GAIA) và Trung tâm Tài nguyên & Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment), hướng tới mục tiêu nâng cao tỷ lệ phân loại và thu hồi tái chế tại nguồn, góp phần tuần hoàn tài nguyên từ CTRSH thành những sản phẩm hữu ích thông qua việc thúc đẩy vai trò và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hệ thống quản lý CTRSH tại địa phương. Từ đó, MRF có thể góp phần giảm áp lực tiếp nhận và xử lý CTRSH tại Eo Gió, và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái tại Cù Lao Chàm, hướng đến xây dựng Cù Lao Chàm trở thành “Hòn đảo không rác thải”.

Mô hình MRF đầu tiên ở Cù Lao Chàm ra đời như thế nào?

Cơ sở MRF đầu tiên tại Cù Lao Chàm được thiết lập tại một khu đất gần khu dân cư thôn Bãi Ông với diện tích khoảng 20m2, những tấm ván ép nhựa tái chế từ rác thải nhựa có giá trị thấp được sử dụng làm vật liệu mái che và tường bao quanh, đi cùng với thông điệp về giá trị của MRF là cơ sở biến rác thải thành tài nguyên. Tại đây chia thành nhiều khu: ủ phân compost, chế biến nước tẩy rửa, tập kết rác vô cơ, trang trí các panel truyền thông và trồng cây xung quanh. Mô hình được vận hành thử nghiệm từ ngày 01/4/2021. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2021, UBND xã Tân Hiệp chính thức tiếp nhận vận hành mô hình MRF Bãi Ông với nguồn hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và chi phí vận hành từ Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua WWF.

Mô hình MRF hoạt động như thế nào?

Khởi đầu với quy mô tham gia ban đầu là 30 hộ gia đình nhằm mục tiêu thử nghiệm và hoàn thiện quy trình vận hành, tính đến tháng 10 năm 2021, cơ sở MRF Bãi Ông đã mở rộng phạm vi tiếp nhận và xử lý rác của 60 hộ gia đình, và tiếp tục nhân rộng lên 120 hộ từ tháng 12/2022.

Tham gia mô hình, các hộ gia đình thực hiện phân loại rác thành 2 loại theo quy định của địa phương là rác dễ phân hủy và rác khó phân hủy. Để đảm bảo rác được phân loại đúng tại nguồn, Dự án đã hỗ trợ cho nhóm nòng cốt của địa phương thực hiện giám sát định kỳ hàng tuần, tăng cường hướng dẫn và nhắc nhở các hộ gia đình tham gia mô hình phân loại và bỏ rác đúng nơi và đúng thời gian quy định.

Rác từ hộ gia đình sau phân loại được hai nhân công địa phương phụ trách vận hành mô hình MRF tiến hành thu gom và tập kết tại MRF. Tại đây, rác dễ phân hủy được phân loại thành rác khô để ủ compost ngoài trời, rác ướt được đưa vào các thùng ủ có men vi sinh. Phương pháp sản xuất compost chủ yếu được áp dụng là ủ hiếu khí. Từ tháng 11 năm 2022, MRF Bãi Ông thí điểm thêm phương pháp ủ yếm khí và nuôi giun quế. Ngoài ra, một số loại vỏ trái cây được tách riêng và tận dụng để tái chế làm nước tẩy rửa đa dụng. Rác khó phân hủy được phân loại thành rác tái chế (các loại có thể bán cho bên thu mua phế liệu), rác nhựa cấp thấp được gom lại để chuyển cho cơ sở tái chế, và rác còn lại không thể xử lý được sẽ chuyển cho đơn vị thu gom công cộng để vận chuyển đến cơ sở xử lý rác tại Eo Gió.

Hiệu quả ban đầu của mô hình MRF

san-go-.png
Ủ phân compost tại mô hình MRF

Từ số liệu giám sát cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện đúng quy định phân loại rác tại nguồn đã tăng đáng kể. Nếu như ở thời điểm giữa năm 2020 khi chưa có mô hình MRF, tỷ lệ hộ gia đình có thực hiện phân loại rác tại thôn Bãi Ông là 70%, thì đến giữa năm 2021, sau khi được hướng dẫn tham gia mô hình MRF, tỷ lệ này tăng lên gần 82% tại nhóm hộ tham gia MRF. Sau khi số hộ tham gia tăng lên 120 hộ từ tháng 12/2022, tỷ lệ phân loại rác đúng thậm chí còn tăng cao hơn và đạt 84,5%.

Phân loại rác đúng là tiền đề quan trọng cho hiệu quả xử lý và tái chế rác tại cơ sở MRF Bãi Ông. Theo đó, qua 2 năm triển khai, mô hình đã thu gom được 27,4 tấn rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình; trong đó phân loại và xử lý tại cơ sở MRF được hơn 12,6 tấn rác thải hữu cơ; thu hồi khoảng 200kg rác tái chế và 500kg rác nhựa giá trị thấp. Như vậy, với các giải pháp xử lý tại chỗ, cơ sở MRF đã góp phần giảm thiểu gần 50% lượng rác phát sinh từ hộ gia đình.

Từ lượng rác hữu cơ thu gom được, tính đến cuối năm 2022, cơ sở MRF Bãi Ông đã sản xuất được khoảng 500kg phân hữu cơ tinh phẩm. Nguồn phân hữu cơ này được sử dụng hiệu quả để chăm sóc cây cảnh trên địa bàn, một phần phân hữu cơ còn lại được phân chia cho các hộ gia đình có nhu cầu. Sau một thời gian sử dụng, sản phẩm phân hữu cơ tinh phẩm từ cơ sở MRF Bãi Ông đã được một số hộ gia đình khác trên địa bàn xã tin dùng.

Một sản phẩm phụ khác từ quá trình xử lý rác thải hữu cơ tại cơ sở MRF là nước tẩy rửa đa dụng. Từ lượng vỏ hoa quả thải bỏ thu gom được trong năm 2022, nhóm vận hành cơ sở MRF đã phân loại và lên men thành 220L chế phẩm sinh học dạng thô. Với mục tiêu sản xuất thành phẩm nước tẩy rửa sinh học từ chế phẩm lên men dạng thô, Dự án Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam đã hỗ trợ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tổ chức chương trình tập huấn nâng cấp sản phẩm nước tẩy rửa tại MRF Bãi Ông trong tháng 11/2022. Thông qua chương trình tập huấn, các chuyên gia đã hướng dẫn cụ thể quy trình sản xuất nước tẩy rửa, cách lựa chọn nguyên liệu đầu vào để hạn chế mùi hôi và tạo mùi thơm từ các nguyên liệu tự nhiên như vỏ thơm, cam, bưởi, sả, …; công thức thực hành, cách bảo quản sản phẩm cho nhóm cộng đồng vận hành cơ sở MRF. Từ đó, nhóm vận hành cơ sở MRF đã chế biến thành công được 40L nước tẩy rửa thành phẩm từ 220L dung dịch thô để tặng cho các bên liên quan và các hộ gia đình dùng thử nghiệm. Theo đánh giá ban đầu, các hộ dân tham gia dùng thử cho rằng về cơ bản đảm bảo nhu cầu sử dụng hàng ngày, sản phẩm cô đặc, có mùi thơm, tạo bọt và không ảnh hưởng đến da tay.

Cơ sở phục hồi tài nguyên MRF còn nhận được sự quan tâm theo dõi của cộng đồng người dân địa phương. Chỉ riêng trong năm 2022, cơ sở đã đón được 12 đoàn công tác từ các địa phương, sinh viên nước ngoài và các em học sinh trên địa bàn thành phố Hội An và Đà Nẵng đến tham quan học tập và tìm hiểu về mô hình. Từ những nhân công được thuê ban đầu, đến nay nhóm vận hành cơ sở MRF Bãi Ông đã có thể trực tiếp hướng dẫn người khác về cách vận hành mô hình, cũng như tích cực và chủ động lan tỏa với mọi người về các phương pháp xử lý và giảm thiểu rác thải tại đây. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy mô hình có triển vọng phát triển thành một trung tâm giáo dục và học tập cộng đồng về môi trường.

Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam), Huỳnh Thị Thùy Hương, (Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm)