Trong nước

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Khương Trung 09/05/2023 - 17:49

(TN&MT) - Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, chiều 9/5, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Dự thảo Luật gồm 13 Chương, 195 Điều

090520230243-z4330078019678_37cdf70d692b2d7cff77cf35dcc010d6.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết Dự thảo Luật bao gồm 13 chương, 195 điều.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng Nghị quyết của Quốc hội; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cho giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 63/2022/QH15 về nội dung Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV; Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025;

Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Phiên họp thứ 21; Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Quyết định số 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”…

Việc xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các TCTD, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các TCTD hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; xây dựng công cụ để quản lý các TCTD, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của TCTD; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD...

Dự thảo Luật được bố cục gồm 13 Chương, 195 Điều. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản trị, điều hành của TCTD như: sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại TCTD...

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ sở hữu, Hội đồng thành viên của TCTD là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên để thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử như: bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử; giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng…

Để hạn chế rủi ro từ tập trung tín dụng, hạn chế sở hữu chéo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD … Dự thảo Luật cũng rà soát, điều chỉnh kỹ thuật một số nội dung để đảm bảo rõ ràng, phù hợp, thống nhất với các Luật hiện hành.

Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia và để đảm bảo có cơ chế ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã luật hóa một số quy định tại Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD về nợ xấu, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; Mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án…

Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật

090520230255-z4330108119331_c8c6d472feeb262a547ef87a1f580e44.jpg
Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật

Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, đầy đủ theo danh mục quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định tại dự thảo Luật, đề nghị tiếp tục hoàn thiện một số tài liệu và làm rõ đã sửa đổi, bổ sung và giữ nguyên bao nhiêu điều so với Luật hiện hành.

Để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát dự thảo Luật với quy định tại các luật liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật, khắc phục tối đa những vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quy định của Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2), có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “can thiệp sớm” và “thanh lý, phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể về đối tượng áp dụng là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về ngân hàng chính sách (Điều 17), một số ý kiến cho rằng nhiều nội dung quy định điều chỉnh hoạt động của hai ngân hàng chính sách vượt quá thẩm quyền quyết định của Chính phủ, cần phải được luật hóa, bổ sung thêm tại Luật Các tổ chức tín dụng để bảo đảm căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện. Có ý kiến cho rằng nên giao Chính phủ xây dựng cơ chế riêng, đặc thù đối với ngân hàng chính sách, phù hợp với đối tượng là hộ nghèo, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa. Về tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ nguyên tắc xây dựng các nội dung tại dự thảo Luật có liên quan đến Luật Doanh nghiệp và các luật khác có liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, không quy định lại các nội dung mà Luật Doanh nghiệp và Luật có liên quan (như Luật Hợp tác xã) đã quy định, chỉ quy định các nội dung có tính chất đặc thù riêng của các tổ chức tín dụng trên cơ sở tiệm cận các nguyên tắc về quản trị công ty của OECD, các nguyên tắc về quản trị công ty tại ngân hàng thương mại của Ủy ban Basel.

Đối với nội dung hoạt động được phép của tổ chức tín dụng (Điều 90), Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ quy định tại khoản 2 Điều này về việc “tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được Ngân hàng nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng” do có thể không bao quát hết các hoạt động mà Ngân hàng nhà nước chấp thuận dưới các hình thức khác, bảo đảm không gây vướng mắc, lúng túng cho tổ chức tín dụng khi triển khai trong thực tiễn.

Cần quy định trong luật về Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam

090520230250-anh-dai-dien.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Trong phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi ý một số nội dung tập trung thảo luận, theo đó, các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề như: sự cần thiết sửa đổi Luật, tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước Quốc tế Việt Nam đã tham gia.

Bên cạnh đó, theo gợi ý của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu cho ý kiến về khái niệm tổ chức tín dụng, khái niệm hoạt động ngân hàng, việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng; người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng; cung cấp thông tin, bảo mật thông tin; ngân hàng chính sách; điều kiện cấp giấy phép; thời hạn cấp Giấy phép và đăng ký kinh doanh, đăng ký hoạt động; điều kiện khai trương hoạt động và thu hồi Giấy phép; về tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng... cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận nhiều nội dung phát biểu xác đáng làm cơ sở để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu hoàn thiện hồ sơ dự án luật và báo cáo thẩm tra.

090520230207-z4330204263845_5158c3e188c9a5a7e6cfa82389779f26.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Luật Các tổ chức tín dụng nên có chương riêng để quy định về Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam để luật hóa quy định trong nghị định để xác định địa vị pháp lý của 2 ngân hàng này bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu phát triển các ngân hàng này. Với vị trí vai trò của mình, Ngân hàng chính sách và Ngân hàng phát triển xứng đáng có 1 chương trong luật.

Về luật hóa các nội dung của Nghị quyết 42/2017/QH14, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu để luật hóa những nội dung về tái cơ cấu tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu trong điều kiện bình thường, những nội dung đặc biệt mà có thể áp dụng cho giai đoạn bình thường này chứ không phải là tất cả các vấn đề của Nghị quyết 42/2017/QH14. Đồng thời, lưu ý chỉ xử lý những nội dung nào đúng luật, tức cho vay đúng luật nhưng có rủi ro về kinh doanh mà có nợ xấu, còn những vấn đề do ngân hàng làm sai phải trừ vào vốn chủ sở hữu.

Nhấn mạnh các nội dung xử lý nợ xấu phải bảo đảm nguyên tắc phải quay về hệ thống pháp luật bình thường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát cân nhắc các nội dung quy định trong luật như về quy trình ưu tiên thanh toán, vấn đề thuế, về Công ty quản lý tài sản (VAMC); rà soát lại tất cả những nội dung giao thoa giữa các luật như ngân hàng thương mại sở hữu công ty chứng khoán, giao thoa giữa bảo hiểm mới với ngân hàng, những sản phẩm ngân hàng có tính chất đầu tư…

Về quản lý nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu luật hóa các quy định trong nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong quản lý tài chính ngân hàng; tính toán lại quy định về hệ thống thanh tra kiểm soát bên ngoài, phải nghiên cứu hệ thống thanh tra giám sát độc lập và thống nhất; rà soát các quy định về thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi rộng lớn nên các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội phải cùng nhau chung sức, lắng nghe để hoàn thiện dự thảo Luật.

090520230221-z4330208750344_166c874c6b6a9fe1d239487f72835528.jpg
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi rộng lớn nên các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội phải cùng nhau chung sức, lắng nghe để hoàn thiện dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, trách nhiệm của Chính phủ trong quá trình xây dựng dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Để đảm bảo đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tích cực tiếp thu tối đa ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế để hoàn thiện hồ sơ dự án luật

Khương Trung