Xã hội

Hiệp Hòa - Bắc Giang: Đa dạng cách làm giúp người dân giảm nghèo bền vững

Lê Tí 08/05/2023 - 11:29

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều cách làm hiệu quả, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, qua đó góp phần từng bước giúp người dân thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện nhờ đó cũng giảm mạnh.

Lồng ghép nhiều nguồn lực để giải quyết việc làm

Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hiệp Hòa,  thời gian qua cùng với việc lồng ghép các nguồn lực để phục vụ chương trình giảm nghèo, huyện còn quan tâm đến công tác đào tạo nghề, tìm và mở nghề mới cho người dân, từ đó giải quyết nhu cầu việc làm, tạo thu nhập ổn định giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo.

Được biết, năm 2022, huyện Hiệp Hòa đã đào tạo nghề cho hơn 2.500 lao động, mở 8 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, 265 học viên được đào tạo theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thông qua đó góp phần nâng tổng số lao động qua đào tạo của toàn huyện lên gần 112 nghìn người, trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là hơn 71 nghìn người.

Theo kết quả thống kê của UBND huyện Hiệp Hòa, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn hơn 3%, giảm 1.200 hộ, tương đương với 2,1% so với năm 2021. Một số xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Hoàng Thanh 0,9%; Thường Thắng 2,3% và Thị trấn Thắng 2%.

hiep-hoa-giam-ngheo.jpg
Hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà để họ an tâm sinh sống 

Theo lãnh đạo UBND huyện Hiệp Hòa, thời gian tới huyện tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo. Tích cực đẩy mạnh chương trình lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để huy động toàn xã hội tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, Quỹ “Vì người nghèo”, chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, sự tham gia của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nguồn lực được phát huy

Anh  Ngô Phương, ở xã Hoàng Vân là một trong những hộ gia đình được các cấp chính quyền và mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí hơn 300 triệu để xây dựng nhà mới. Tâm sự với  chúng tôi, anh Phương cho biết: Nhà có 5 người, sống trong căn nhà dột nát, không có việc làm thường xuyên lại bị ảnh hưởng chất độc da cam nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. May nhờ có chính quyền và các mạnh thường quân hỗ trợ nên gia đình đã xây dựng được nhà mới khang trang, gia đình anh rất biết ơn.

Được biết, toàn bộ kinh phí trên được hỗ trợ từ Công ty TNHH Y tế ASIA, Quỹ “Vì người nghèo” huyện Hiệp Hòa, chính quyền các cấp và các mạnh thường quân đóng góp. Theo số liệu thống kê thì năm 2022 huyện Hiệp Hòa có 145 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng mới, 21 hộ sửa chữa nhà ở từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” huyện, quỹ của các tổ chức đoàn thể và một số nhà tài trợ, tổng kinh phí lên tới 5,6 tỷ đồng.

hiep-hoa-giam-ngheo-2.jpg
Những năm gần đây huyện Hiệp Hòa đặc biệt quan tâm đến đào tạo nghề và hướng nghiệp cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Hiệp Hòa đã chủ động tiếp cận đa chiều, lồng ghép các nguồn lực để từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Đồng thời hỗ trợ người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đi xuất khẩu lao động, sản xuất kinh doanh, đầu tư chăn nuôi, cho vay học sinh sinh viên, vay vốn làm nhà, vệ sinh tự hoại, công trình nước sách…

Năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hiệp Hòa đã giải ngân vay vốn cho hơn 1,8 nghìn hộ nghèo, cận nghèo… tổng số tiền hơn 126 tỷ đồng. Rất nhiều hộ trong số này đã sử dụng hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi để tập trung lao động sản xuất, cải thiện đời sống kinh tế, từng bước thoát nghèo.

Nhằm tiếp thêm động lực cho người nghèo, cận nghèo, huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo kịp thời, đúng quy định. Nhờ đó đã có hơn 6,6 nghìn thẻ được cấp đúng đối tượng để họ được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc về y tế. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, hỗ trợ tiền điện cũng được triển khai tích cực, hiệu quả; chính sách hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở thực hiện kịp thời, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Ngoài ra, các đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân cũng có nhiều việc làm thiết thực giúp đỡ về giống, vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để các hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh và vươn lên thoát nghèo.

Lê Tí