Bạn đọc - Pháp luật

Bắc Ninh: Hàng trăm hộ dân “mất quyền” sử dụng đất nông nghiệp

Doãn Xuân - Quán Dũng 05/05/2023 - 11:14

(TN&MT) - Hơn 200 hộ dân thôn Rền, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh gửi đơn kêu cứu tới Báo Tài nguyên và Môi trường, phản ánh về 3 quyết định thu hồi đất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh để cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện đê tả Đuống nhưng người dân không được biết, quy trình thủ tục niêm yết không đúng trình tự và có dấu hiệu chi sai tiền ngân sách.

Quyết định có thật nhưng dân “mơ hồ”

Tiếp chúng tôi là 5 bác đại diện cho hơn 200 hộ dân thôn Rền, xã Cảnh Hưng, ngoài trời lúc này đang mưa sụt sùi, nét mặt của các bác rất căng thẳng, bác Nguyễn Đắc Văn, ở thôn Rền, trầm tư: Đến bây giờ người dân chúng tôi mới thực sự tin 3 Quyết định số: 518, 1768 và 2005 liên quan tới việc thu hồi đất nông nghiệp của hơn 200 hộ dân thôn Rền để cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện đê tả Đuống từ năm 2007 đến năm 2010 là có thật.

anh-1.jpg
Bác Nguyễn Đình Hương, Bí thư – Trưởng thôn Rền chỉ về cánh đồng chuối người dân đang canh tác nhưng không đủ điều kiện cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp

Được biết, hơn 200 hộ dân thôn Rền hiện tại vẫn đang canh tác trên chính thửa ruộng nhà mình theo Nghị định số 64-CP ngày 27/9/1993, không có tranh chấp, thế nhưng đến tháng 11/2021, khi Nhà nước công khai niêm yết các hộ dân không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, lúc này họ mới biết đất nhà mình đã thuộc diện Nhà nước đã thu hồi và nằm trọn vẹn trong 3 quyết định thu hồi trên.

Bác Nguyễn Đình Hương, Bí thư – Trưởng thôn Rền cho biết: Gần 300 thửa đất của hơn 200 hộ dân, để thống nhất người dân đã cử ra 18 đại diện để đi đòi quyền lợi. Đến nay, chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị lên xã, huyện và tỉnh nhưng chính quyền họ vẫn đẩy “quả bóng trách nhiệm” cho nhau.

Để các anh hiểu rõ hơn về 3 quyết định thu hồi đất, thứ nhất, Quyết định số 518/QĐ-UBND ngày 16/4/2007, tỉnh Bắc Ninh thu hồi đất cho Chi cục Đê điều và Phòng chống Lụt bão Bắc Ninh (nay là Chi cục Thủy lợi, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh - PV) để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện đê tả Đuống, huyện Tiên Du. Bác Hương nhấn mạnh, trong Quyết định ghi rõ thu hồi 3,1ha đất nông nghiệp tại huyện Tiên Du, trong đó riêng xã Cảnh Hưng là 2,6ha, 114 hộ bị thu hồi, số tiền đền bù gần 2 tỷ đồng. Nhưng sau đó, chính quyền quyết định chỉ hạ mặt bằng 70cm, diện tích được đẩy lên khoảng 11ha. Tức ruộng lúc này của người dân vẫn giữ lại để canh tác bình thường.

Thứ hai, liên quan Quyết định số 1768/QĐ-UBND ngày 26/9/2009, tỉnh Bắc Ninh thu hồi đất cho Chi cục Đê điều và Phòng chống Lụt bão Bắc Ninh để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện đê tả Đuống đoạn từ Km 22+360 đến Km 33+555, huyện Tiên Du, trong Quyết định ghi thu hồi 2,19ha của 180 hộ dân, thuộc xứ Đồng, sau này đổi thành Đầm Giai. Quyết định này chi hỗ trợ, bồi thường cho người dân có vấn đề, tôi sẽ cụ thể sau.

anh-2.jpg
Trồng chuối đang đem về thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân 

Thứ ba, Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 31/12/2010, tỉnh Bắc Ninh thu hồi đất cho Chi cục Đê điều và Phòng chống Lụt bão Bắc Ninh để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện đê tả Đuống đoạn từ Km26+360 đến Km33+555, huyện Tiên Du, Quyết định đã thu hồi 2,4ha, riêng xã Cảnh Hưng thu hồi 0,8ha, 52 hộ dân bị thu hồi; 1,1 tỷ đồng tiền đền bù; thực tế lấy đất 57 hộ dân. Đến Quyết định này thì dân mới được lấy tiền đền bù và không phải nộp lại cho ai.

Ông Nguyễn Huy Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Hưng, cho biết: Sau khi có đơn của người dân và UBND huyện chỉ đạo thì UBND xã đã lập một tổ công tác xác minh và mời các đồng chí cán bộ thời điểm đó đến làm việc nhưng chưa có kết quả. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp hồ sơ, văn bản thuộc thẩm quyền của xã Cảnh Hưng thì ông Chung lấy nhiều lý do và không cung cấp.

Tiền hỗ trợ, bồi thường đi đâu?

Liên quan tới Quyết định số 518, Bác Hương cho biết thêm: Người dân được bồi thường 150 ngàn đồng/hộ (bồi thường hoa màu, cải tạo đất, chuyển đổi nghề… - PV) nhưng người dân phải nộp lại 130 ngàn đồng cho cán bộ thôn Rền khi đó và mỗi hộ chỉ được nhận về 20 ngàn đồng. Trong khi, tại Quyết định số 711/QĐ-UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 31/5/2007 về việc phê duyệt phương án bồi thường khi thu hồi đất để cải tạo, nâng cấp đê tả Đuống đoạn Km 23+860 đến Km 26+360, Quyết định ghi rất rõ số tiền bồi thường và hỗ trợ là 1,98 tỷ đồng. Tuy nhiên, người dân đều khẳng định họ đến ký vào danh sách không hề ghi số tiền được nhận đền bù mà chỉ được phát 150 ngàn đồng/hộ, sau đó nộp lại cho cán bộ thôn Rền 130 ngàn đồng và nhận về 20 ngàn đồng. Vậy số tiền đó thôn Rền giữ lại dùng vào mục đích gì? Trong khi số tiền đó người dân đáng được hưởng!

Cũng liên quan đến Quyết định này, năm 2014, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo làm đường dẫn xuống phà Rền, có 11 hộ dân thuộc diện đền bù để làm đường, điều lạ lùng, không hiểu sao huyện Tiên Du lại giao cho thôn Rền tự bỏ 288 triệu đồng đền bù cho 11 hộ dân (mặc dù 11 hộ dân này đã có trong Quyết định thu hồi đất và bồi thường đất năm 2007 - PV) một cách khó hiểu?! Ông Hương khẳng định: Dân khi đó không phải đóng góp một ngàn nào nhưng không biết cán bộ thôn Rền lấy tiền ở đâu để bồi thường?!

Trong khi đó, Quyết định số 1768 thu hồi 2,1ha, số tiền hỗ trợ, bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng. Nhiều người dân thôn Rền khẳng định: Các hộ dân được vận động ký, nhưng lần này không phải lấy tiền về nộp cho thôn Rền mà dân chỉ ký và được nhận về 20.000 đồng. Kịch bản được lập lại lần trước, tuy có khác hơn là lần này dân ký nhưng không phải nhận tiền về nộp cho thôn.

anh-3.jpg
Ruộng chuối tươi tốt

Bác Hương khẳng định: Trong các Quyết định thu hồi đất và hỗ trợ, bồi thường ở xứ Đồng, nhưng thực chất họ lại thỏa thuận mua đất của 108 hộ dân ở xứ Bãi Trũng theo mét khối. Làm gì có chuyện lạ thế được - Phóng viên hỏi? Bác Hương tiếp lời: Chuyện thật mà như đùa, thế dân mới bức xúc, chúng tôi biết rõ vụ việc này, họ thỏa thuận mua của dân và có dấu hiệu làm sai.

Ông Nguyễn Bá Luận, Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Hưng cho biết: Việc này người dân phản ánh là đúng sự thật, theo quyết định thu hồi đất một đường chính quyền lại chỉ đạo lấy đất một nẻo, họ chi trả cho người dân không đúng quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường. Ông Luận nhấn mạnh thêm: Thu hồi đưa tiền rồi nhưng chỉ chi trả cho người dân tiền cải tạo đất, hoa màu, còn đâu đưa vào công trình phúc lợi. Thế dân mới kiện đến tận bây giờ.

Ông Luận thẳng thắn quan điểm: Đảng ủy đề xuất cấp sổ đất nông nghiệp cho bà con vì quyền lợi của bà con đến nay chưa được hưởng! Còn sai đâu, ở khâu nào người đó phải chịu trách nhiệm. Việc này mà ra tới Trung ương là chết dở! Nói chung nó liên quan đến nhiều người nên phải từng bước giải quyết.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Doãn Xuân - Quán Dũng