Dạy nghề ở Đắk Lắk: Cơ hội thoát nghèo
(TN&MT) - Chương trình đào tạo nghề miễn phí cho lao động nông thôn, hộ nghèo vùng đồng bào DTTS của các Sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh Đắk Lắk, nhiều lao động nghèo ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS đã có việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững
Những năm gần đây, tại xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) từ chương trình đạo tạo nghề miễn phí do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Lắk, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... cho lao động nghèo, người dân tộc thiểu số được học nghề và tìm việc làm phù hợp với điều kiện, năng lực của bản thân tăng lên đáng kể.
Các ngành nghề phù hợp với thực tế tại địa phương như: Trồng nấm, xây dựng, dệt - may, chăn nuôi... với gần 300 lao động được đào tạo. Sau các khóa học, nhiều lao động nghèo, lao động dân tộc thiểu số đã được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư chuồng, trại chăn nuôi, trồng nấm tạo việc làm và có nguồn thu nhập ổn định. Các lao động được đào tạo nghề xây dựng đã tự kết hợp lập nhóm thợ xây dựng dân dụng,có việc làm và thu nhập ổn định.
Đơn cử như hộ anh Y Chinh Bkrông ở buôn Kala, xã Dray Sáp chia sẻ: “Năm 2016, sau khi được tham gia lớp học nghề trồng nấm, anh Y Chinh Bkrông quyết định vay mượn gần 30 triệu đồng để xây dựng nhà nấm với tổng diện tích gần 100m2, treo được hơn 4.300 bịch nấm sò, mỗi năm thu hoạch 3 đợt, gia đình anh thu lãi về hơn 30 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Theo anh Y Chinh Bkrông, nghề trồng nấm cũng không đòi hỏi nhiều công lao động mà có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, với nghề học được này gia đình anh đã có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Hiện tại, anh Y Chinh Bkrông đang đầu tư mở rộng nhà xưởng để trồng thêm nấm rơm. Được biết, ngoài học nghề trồng nấm, anh Y Chinh Bkrông còn học thêm nghề xây dựng. Vì thế, mỗi khi có hộ dân nào cần xây nhà, anh đứng ra nhận làm. Điều này không chỉ tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình anh Y Chinh Bkrông mà còn giúp nhiều lao động khác có việc làm, cải thiện cuộc sống.
Hay ở xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) đã tổ chức lớp dạy nghề chăn nuôi gia súc, sau khi tham gia học nghề nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi bò thịt phát triển kinh tế. Các hộ chăn nuôi cho biết: Nhờ những kiến thức được học tại lớp dạy nghề đã áp dụng vào thực tiễn và tự tin mở rộng quy mô chăn nuôi lên đến hàng chục con bò, heo để tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Hộ ông Phạm Tố ở thôn Hòa Xuân, xã Hoà Sơn, huyện Krông Bông cho biết: trước khi được đào tạo nghề chăn nuôi, gia đình chỉ nuôi 2 con bò, nay ông Phạm Tố đã đầu tư mua thêm 2 con nữa để phát triển chăn nuôi với tham vọng đàn bò lên đến hàng chục con. Từ kiến thức đã được học, ông tự tin áp dụng những tiến bộ vào chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên đàn bò phát triển tốt, giá thành bán ra cũng tăng lên.
Theo ông Mai Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Bông, việc đào tạo nghề đã phần nào đáp ứng sự thiếu hụt lao động có tay nghề của các địa phương; từng bước hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Những ngành nghề được địa phương lựa chọn mở các lớp đào tạo chủ yếu như: nghề xây dựng, chăn nuôi, sửa chữa máy nổ, chăm sóc cây trồng... Qua đó, nhiều lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số có tay nghề, được hỗ trợ tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm để phát triển kinh tế. Hầu hết, các lớp dạy nghề đều gắn với nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, hoặc dựa trên điều kiện thực tế của người dân để họ có thể tự phát triển kinh tế của mình.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Lắk, giai đoạn 2010 - 2017, toàn tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức được trên 700 lớp đào tạo nghề cho gần 24.000 lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng. Song song đó, chất lượng dạy nghề có nhiều thay đổi tích cực.