Xã hội

Bến Tre: Tạo đột phá xoá đói, giảm nghèo

Bạch Thanh 23/11/2018 15:24

(TN&MT) - Tỉnh Bến Tre qua 2 năm thực hiện Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáng khích lệ, nhiều mô hình đã giúp cho hộ nghèo, cận nghèo cải thiện sinh kế, tăng thu nhập.

Đột phá để giảm nghèo

Trung tuần tháng 8/2016, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Đề án số 4190/ĐA- UBND về phát triển phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thể hiện sự đổi mới chuyển từ phương pháp giảm nghèo truyền thống sang xác định người nghèo là chủ thể của quá trình thoát nghèo.

bo.jpg
Người dân nâng cao ý thức, tiếp cận đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững

Từ đó, tập trung các phương pháp nâng cao nhận thức, năng lực, chuyển đổi thái độ, hành vi của người nghèo để giúp họ phát huy nội lực, xây dựng và cải thiện đa dạng các loại hình sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Điểm mới của Đề án là nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện thông qua việc thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp. Đề án xác định đối tượng tham gia là hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện và tự giác tham gia Đề án. Kết quả trên địa bàn toàn tỉnh có 15.858 hộ tham gia, chiếm tỉ lệ 25,9% tổng số hộ nghèo, cận nghèo đầu năm 2016.

Trong đó, nhóm hộ tham gia phát triển sinh kế phi nông nghiệp là 5.365 hộ. nỗ Sau khi Đề án ban hành, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo thành lập, kiện toàn hoạt động của bộ máy thực hiện công tác giảm nghèo các cấp. Bên cạnh đó, ban hành kế hoạch, tổ chức triển khai đến tận cơ sở.

Đồng thời, tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại 30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang và các xã ngoài xã bãi ngang thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Hiệu quả bước đầu

Qua báo cáo giám sát mới đây của HĐND tỉnh Bến Tre cho thấy, Đề án mang tính nhân văn, quan điểm và mục tiêu thể hiện cách tiếp cận mới đối với người nghèo và công tác giảm nghèo, xác định người nghèo là chủ thể của quá trình thay đổi. Từ đó, Đề án mang lại hiệu quả thiết thực. Qua hai năm thực hiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm cao hơn so với các năm trước, đã giúp cho 4.133 hộ thoát nghèo, đạt 72% so với kế hoạch và 26% so với tổng số hộ đã đăng ký.

dua-luoi.jpg
Mô hình trồng dưa lưới của người nghèo sau khi xuất khẩu lao động trở về góp phần giải quyết thêm việc làm tại địa phương.

Các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ cấp cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện. Trong đó, về nước sạch vệ sinh môi trường, Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ 39.781 hộ vay vốn xây nhà vệ sinh, ống chứa nước sạch cải thiện môi trường.

Kết quả qua tổng kết, tổng vốn huy động thực hiện công tác giảm nghèo gần 2.375 tỷ đồng. Trong đó, có nguồn vốn vay ngân hàng
283,6 tỷ đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo an tâm phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở kiên cố và các công trình chứa nước, hố xí hợp vệ sinh.

Đẩy mạnh thực hiện

Trên cơ sở kết quả giám sát, mới đây, HĐND tỉnh Bến Tre đã ban hành Nghị quyết yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền để người dân nói chung, người nghèo nói riêng hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của Đề án. Cho chủ trương để UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh sách hộ nghèo, cận nghèo tham gia đúng đối tượng, đảm bảo việc thực hiện trong thời gian còn khả thi, hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân, người nghèo tham gia xuất khẩu lao động. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ cho người tham gia xuất khẩu lao động phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực thực hiện các chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn ở các địa phương. Hướng dẫn cho người dân da dạng sinh kế theo các loại hình sản xuất, chăn nuôi, kết hợp nhiều mô hình nông nghiệp, phi nông nghiệp, tận dụng tối đa các điều kiện đất đai, lao động, thời gian nhàn rỗi... để cải thiện sinh kế.

Bạch Thanh