Xã hội

Thạch Thành (Thanh Hóa): Phát huy nguồn vốn chính sách để xóa nghèo bền vững

Tuyết Trang- Thạch Thành 04/05/2023 - 14:01

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Thạch Thành đã phát huy vai trò là công cụ hữu hiệu thực hiện mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và có đời sống khấm khá, góp phần giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn vốn chính sách

Điển hình từ phát huy có hiệu quả vồn vốn vay là anh Phạm Văn Sáu Khu 1, Thị trấn Vân Du vốn có gia cảnh khó khăn, cứ tần tảo quanh năm cũng chỉ đủ trang trải eo hẹp cho gia đình. Không biết phương thức sản xuất và cái thiếu nhất là nguồn vốn nên cái nghèo cứ đeo đẳng gần chục năm trời. Thế rồi qua Hội Nông dân xã ủy thác, gia đình anh được vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách - Xã hội chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, được tư vấn sử dụng nguồn vốn, tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây Thanh Long, cam, bưởi. Có vốn trong tay, anh đầu tư chăm sóc . Đến nay, mỗi năm gia đình anh thu có thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng, anh Sáu chia sẻ: “Không những cho vay vốn mà Ngân hàng Chính sách - Xã hội còn tư vấn cho tôi cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Nhờ thế mà cuộc sống gia đình dần dần bớt khó khăn và nay đã thoát nghèo vươn lên làm giàu”.

anh-1.jpg
Phát triển cây ăn quả để xóa đói giảm nghèo ở Thạch Thành

Hay gia đình chị Quách Thị Huy, ở thôn Bông Bụt, xã Thành Công. Qua đăng ký, năm 2020 chị Huy được Ngân hàng giải ngân cho vay 80 triệu đồng. Với số tiền đó, gia đình đã thuê máy xúc san gạt đất đồi, trồng cỏ và đầu tư mua phân bón, xây chuồng trại chăn nuôi bò sinh sản, đáng mừng hơn cả là năm 2022, gia đình chị đã thoát nghèo kinh tế gia đình được cải thiện, . Chị Huy nói: “Nhờ ngồn vốn ưu đãi mà gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay, các con được ăn học đầy đủ. Tôi rất biết ơn Ngân hàng chính sách nhiều lắm”.

Câu chuyện thoát nghèo của chị Huy, anh Sáu là những ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi.

Dòng vốn tín dụng chính sách đã đồng hành cùng người nghèo ở khắp các xóm, bản trên địa bàn huyện. Năm 2022, đã có trên 5.150 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới được tiếp cận nguồn vốn, qua đó đã giúp cho 2.381 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 13,3% xuống còn 7,05%, giảm trên 6,25% so với đầu năm 2021, hộ cận nghèo giảm từ 7,86% xuống còn 5,27%. Bên cạnh đó gần 300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 4.200 hộ có điều kiện cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới công trình nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn,... Tổng dư nợ cho vay tính đến 28/02/2023 đạt trên 559,2 tỷ đồng, tăng gần 60 tỷ đồng so với năm 2021.

Đến tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn

Từ nguồn vốn vay chính sách, huyện Thạch Thành đã phát động các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến về tích tụ, tập trung đất đai và được thực hiện chủ yếu bằng các hình thức góp quyền sử dụng đất. Đi đôi với đó, các xã, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến người dân trên địa bàn về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, đã tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao từ nhận thức đến hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các doanh nghiệp và bà con nông dân.

anh-2.jpg
Phát triển cây ăn quả để xóa đói giảm nghèo ở Thạch Thành

Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn việc nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp từ tích tụ, tập trung đất đai mang lại hiệu quả kinh tế cao đã thực hiện thời gian trước. 10 tháng năm 2021, huyện Thạch Thành đã tích tụ, tập trung đất đai được 378,53 ha, đạt 95,8% kế hoạch năm 2021; trong đó, lĩnh vực trồng trọt 190,61 ha, lĩnh vực lâm nghiệp 187,92 ha. Các xã tích tụ, tập trung đất đai đạt cao, như: Thạch Cẩm 74,53 ha, Thành Minh 65 ha, Thạch Lâm 31 ha, Thành Yên 39 ha, Thành Hưng 35 ha, Thạch Tượng 36 ha, thị trấn Vân Du 30 ha...

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao từ tích tụ, tập trung đất đai mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20 đến 30% so với sản xuất ở cánh đồng nhỏ lẻ, như: trồng mía nguyên liệu, trồng cây ăn quả, chăn nuôi trang trại quy mô lớn trồng nghệ vàng, trồng rau an toàn.

Tuy nhiên, thực tế việc tích tụ, tập trung đất đai trên địa bàn huyện Thạch Thành thời gian qua, cho thấy: nhiều dự án quy mô lớn trong sản xuất nông nghiệp gặp nhiều trở ngại và chưa có quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân, nên khi triển khai các dự án đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc. Để có giải pháp khắc phục có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị có liên quan, các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân; đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp từ tích tụ, tập trung đất đai mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể nói, việc các hộ nghèo, cận nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa đã được tiếp cận với nguồn vốn vay chính sách để từ đó tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất không chỉ giúp người dân giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn góp sức cùng với Đảng bộ, chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tuyết Trang- Thạch Thành