Tối 28/4, UBND TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) tổ chức lễ khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế năm 2023 với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” Tham dự chương trình khai mạc có Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng hàng ngàn người dân và du khách Phát biểu khai mạc, ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, Festival Nghề truyền thống Huế 2023 là lễ hội có ý nghĩa lớn về văn hóa, kinh tế - xã hội địa phương, mang tầm quốc gia và có yếu tố quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Huế “Cố đô xanh - Di sản thế giới - Thành phố an toàn và thân thiện” “Festival lần này cũng là cuộc hội tụ để các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia giữ gìn, phát huy giá trị nghề truyền thống; cùng với chuỗi sự kiện, chương trình văn hóa – nghệ thuật đặc sắc, không khí lễ hội sôi động, đa sắc màu… sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ - du lịch; tiếp tục khẳng định thương hiệu Huế - thành phố festival đặc trưng của Việt Nam”, ông Nhật chia sẻ Chương trình nghệ thuật đặc biệt tại lễ khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2023 diễn ra hơn 60 phút, được thiết kế, dàn dựng theo một câu chuyện xuyên suốt mang tên “Bàn tay người thợ” 10 tiết mục ca múa nhạc đặc sắc và ấn tượng đã được trình diễn, với các nghệ sỹ nổi tiếng tham gia như Ban nhạc Bức Tường, ca sĩ Đông Hùng, Bảo Trâm, ngôi sao khách mời Hàn Quốc Bobby Kim… Festival nghề truyền thống Huế 2023 có sự tham gia của 69 làng nghề, cơ sở nghề và trên 350 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước gồm Hòa Bình, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh và Thừa Thiên - Huế Gồm 21 nhóm nghề: dệt; nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc, chạm khảm, sơn mài, sơn son thếp vàng; kim hoàn; mây tre đan, tre mỹ nghệ; nón lá; hương trầm; bánh Tét bánh Chưng; mè xửng; nghề làm sản phẩm từ giấy; nghề tranh dân gian truyền thống; gốm sứ, nghề làm diều; nghề pháp lam; nghề làm đầu Lân; nghề đúc đồng; nghề làm lồng đèn; nghè rèn; nghề truyền thống bánh bèo, nậm, lọc; nghề áo dài, phấn nụ… Tại Festival lần này, có 37 nghệ nhân của 6 thành phố có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản tham dự: thành phố Takayama, thành phố Shizuoka, thành phố Saijo, thành phố Sasayama (Nhật Bản), thành phố Gongju, thành phố Namyangju (Hàn Quốc) và 1 Hiệp hội nghề truyền thống Hàn Quốc. Đặc biệt có sự tham gia của các đoàn biểu diễn nghệ thuật: cà kheo (Bỉ), nhạc cụ truyền thống, biểu diễn K-Pop, biểu diễn võ thuật nhảy đương đại Taekwondo, trình diễn Hàn phục và hát Diễn Xướng (Hàn Quốc) Ngoài các chương trình có dấu ấn từ các kỳ trước, Festival lần này sẽ có thêm nhiều chương trình nghệ thuật mới, lần đầu tiên được tổ chức như: Chương trình “Tri ân dòng Hương”, Lễ hội ẩm thực chủ đề “Tinh hoa nghề Bún”, Lễ hội Quảng diễn đường phố, Chương trình giao lưu Văn hoá - Nghệ thuật giữa TP. Huế và các thành phố hợp tác, kết nghĩa trong nước và quốc tế, Chương trình nghệ thuật “Giai điệu trẻ”… Cách bố trí không gian giới thiệu nghề truyền thống tại Festival năm nay cũng là một điểm nhấn đáng chú ý. Ban tổ chức đã sắp đặt không gian với sự kết hợp giữa nhà rường truyền thống Huế với nhà tranh tre hài hòa, gần gũi thiên nhiên với hình thức trang trí đẹp, mang tính nghệ thuật cao, bên cạnh đó là các điểm check-in đầy ấn tượng mang màu sắc văn hóa dân tộc... Mỗi gian hàng được trưng bày sẽ là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế Các không gian đi bộ và cảnh quan với cầu đi bộ trên sông Hương kết nối với hệ thống đường đi bộ bờ Nam sông Hương cùng phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu, phố đêm Hoàng thành Huế, phố đi bộ Hai Bà Trưng....được Ban tổ chức khai thác triệt để và thường xuyên có các hoạt động cộng đồng hưởng ứng. Tất cả tạo thành một không gian nên thơ trải dài dọc bờ sông Hương với nhiều hoạt động hấp dẫn trong ngày hội festival
Văn Dinh - Đình Hoàng