Thành phố Hồ Chí Minh: Xứng đáng vị thế “đầu tàu”
(TN&MT) - Hành trình 48 năm sau ngày giải phóng, TP. Hồ Chí Minh đã vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, trở thành trụ cột vững chắc, “đầu tàu” kinh tế của cả nước; từng bước trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á và châu Á…
Tiên phong đổi mới
Những năm đầu giải phóng, TP.HCM đã trải qua một giai đoạn khó khăn không thể nào quên. Dự trữ nguyên liệu cạn kiệt, tình hình kinh tế ngày càng sa sút nghiêm trọng; sản xuất, dịch vụ xuống dốc; giá cả thị trường tăng liên tục; thiên tai xảy ra ba năm liền ở Nam Bộ ảnh hưởng đến vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long... Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân TP.HCM phải ăn độn bo bo, khoai, sắn…
“Năm 2022, nguồn thu từ lĩnh vực TN&MT chiếm trên 10% tổng thu ngân sách của TP.HCM. Điều đó cho thấy nguồn lực đất đai đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời vấn đề quản lý, bảo vệ môi trường là vấn đề được thành phố xem như là sống còn trong quá trình phát triển của TP.HCM”
Ông Phan Văn Mãi -
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM
Trước yêu cầu phải đổi mới cách nghĩ, cách làm đặt ra gay gắt, Đảng bộ TP.HCM đã xác định chủ trương “phải biết phân tích những đặc điểm lịch sử của thành phố và con người thành phố để chọn lựa hướng đột kích chủ yếu”. TP.HCM đã tiến hành những việc làm đầy táo bạo như xóa bao cấp, thực hiện 3 lợi ích, lương sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, trong đánh bắt cá ngoài biển, vấn đề cải tạo công thương nghiệp, hợp doanh, nhập khẩu nguyên liệu, khôi phục các ngành thủ công nghiệp…
Nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được Trung ương hỗ trợ, TP.HCM đã vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và phức tạp của những năm sau giải phóng; giữ ổn định chính quyền, hình thành quan hệ sản xuất mới, ổn định và duy trì sản xuất trong bối cảnh đất nước bị đe dọa bởi chiến tranh biên giới.
Đặc biệt, những kết quả thử nghiệm đổi mới tại TP.HCM chính là tiền đề quan trọng, thực tiễn để năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng nước ta trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ đây, TP.HCM cùng cả nước đã dứt khoát với cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp để tiến hành đổi mới, đưa thành phố “cùng cả nước, vì cả nước” bước vào thời kỳ lịch sử mới.
Với tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, người dân, doanh nghiệp, kinh tế TP.HCM tăng trưởng liên tục, trở thành trụ cột vững chắc, đầu tàu kinh tế của cả nước. Giai đoạn 2011 - 2019, thành phố đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm; GDP chiếm khoảng 23% GDP của cả nước; đóng góp 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu; trên 30% tổng thu ngân sách Nhà nước…
Năm 2021, TP.HCM đã gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, bằng mọi sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm, với sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, nhân dân cả nước, TP.HCM đã vượt qua dịch bệnh và tiếp tục đạt được những kết quả phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Năm 2022, TP.HCM lấy lại tốc độ tăng trưởng GRDP 9,03%; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 471.000 tỷ đồng chiếm 30% tổng thu cả nước; thu nhập bình quân đầu người 6.770 USD/người…
Quyết tâm giữ vững vị thế “đầu tàu”
Tuy nhiên, trước bối cảnh biến động tài chính thế giới và các yếu tố nội tại kinh tế trong nước, GRDP của TP.HCM trong quý I/2023 chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đưa TP.HCM về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu không lấy lại đà tăng trưởng trong những quý tiếp theo, vị trí “đầu tàu” của TP.HCM sẽ trở nên rất thách thức.
Tại cuộc họp đánh giá kết quả kinh tế - xã hội quý 1/2023, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng, với kết quả tăng trưởng thấp trong quý 1/2023, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của thành phố là chưa chắc chắn và tình hình xấu hơn dự báo trước đó. Ông đề nghị các cơ quan, chuyên gia và nhà khoa học thẳng thắn đưa ra những tồn tại chủ quan để tiếp thu, tháo gỡ, đề ra giải pháp cho những quý còn lại phải bằng mọi giá vực dậy được tăng trưởng.
Ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: “Khó khăn từ đại dịch là vô cùng lớn, nhưng chúng ta đã đứng dậy và đi tới và bây giờ cũng phải tiếp tục đứng lên, bước tiếp. Tất cả sở, ngành, địa phương tập trung suy nghĩ, nghiêm túc hành động để thoát khỏi tình trạng hiện tại”.
Vì vậy, TP.HCM đã đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Trong đó, TP.HCM tập trung tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, TP.HCM sẽ triển khai các giải pháp minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản; có phương án xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư; tiếp tục nghiên cứu, khai thác lợi thế thị trường nội địa, nhất là thị trường hơn 10 triệu dân ngay tại TP.HCM và những vùng kinh tế lân cận thành phố…
Ngoài ra, TP.HCM sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; thống kê hằng tháng những cơ quan, đơn vị nhận được yêu cầu phối hợp nhưng không thực hiện hoặc chậm phản hồi gây ảnh hưởng tiến độ chung. Thành phố sẽ đánh giá thi đua, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; các cơ quan, đơn vị tổ chức công khai thông tin công chức, viên chức xử lý hồ sơ tồn đọng, trễ hạn.
Đặc biệt, TP.HCM sẽ tập trung thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một trong những trụ cột chính để thúc đẩy tăng trưởng năm 2023 và những năm tiếp theo. Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thành lập 13 tổ công tác giám sát, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện từng dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm của thành phố.
Trong đó, đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên trực tiếp theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với 3 dự án, gồm: Dự án Xây dựng đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); giai đoạn 1 dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) và dự án Cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Đây là những dự án, công trình lớn, triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc, khó khăn nhất.
Mới đây, tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội của khu vực phía Nam và cả nước. Sự phát triển của thành phố ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển chung của cả nước.
Vì vậy, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới TP.HCM, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết về phát triển TPHCM; Chính phủ luôn đồng hành, trách nhiệm trên tinh thần hiệu lực, hiệu quả, thường xuyên có các cuộc làm việc bàn giải pháp để thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững, tự tin vững bước đi lên.
Với 29 đề xuất, kiến nghị được tháo gỡ, giải đáp tại cuộc làm việc giữa Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trên tinh thần Chính phủ đồng hành cùng TP.HCM, nhiều khó khăn vướng mắc bước đầu được giải quyết. Tin rằng, bằng nội lực và thế mạnh truyền thống của mình, TP.HCM chắc chắn vượt qua thách thức, khó khăn, tự tin, vững bước đi lên, sớm khẳng định và giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước.