Quảng Ninh: Đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số
(TN&MT) - Những năm qua, để giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản trên địa bàn.
Ổn định cuộc sống người dân
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, tỉnh đã triển khai đạt kết quả nhiều chính sách hỗ trợ người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở các huyện miền núi như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà. Điển hình giai đoạn 2017- 2020, tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân gần 60 tỉ đồng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vốn sản xuất cho trên 4.200 hộ dân. Bằng nguồn vốn hỗ trợ, hàng nghìn hộ dân, nhất là vùng đồng bào DTT đã ổn định nhà cửa, có tư liệu, có đất sản xuất và nguồn vốn để trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn của tỉnh nói trên, huyện Đầm Hà đã có 28 hộ được vay vốn, với số tiền gần 1,5 tỷ đồng, trên 300 hộ được vay vốn xây dựng nhà ở, với số tiền trên 6 tỷ đồng và nhiều hộ đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Từ đó, trong vùng đồng bào DTTS huyện xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, giúp cho người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Hoàng Văn Thảo, ở thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà cho biết, từ năm 2017, được chính quyền xã vận động, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn xây 2 chuồng nuôi gà thương phẩm rộng 600m2, cách xa nhà ở hơn 150 mét và nuôi theo mô hình bán công nghiệp, nhờ áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc đàn gà, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỗi năm gia đình anh cũng có mức thu nhập vài trăm triệu đồng.
Còn tại huyện Bình Liêu, một huyện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của tỉnh cũng đang triển khai tốt các hoạt động chăm lo, giúp đỡ đồng bào DTTS nghèo bằng những chính sách, cách làm hiệu quả nhất.
Theo ông Triệu Đình Sinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu chia sẻ, nhu cầu về đất ở, đất sản xuất của người dân trên địa bàn là chính đáng, cần thiết. Tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên của xã thì việc mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa là không thể vì địa hình xã chủ yếu là đồi núi, khe, suối. Vì vậy, để khắc phục khó khăn đó, địa phương đã chuyển giao một phần quỹ đất cho bà con phát triển lâm nghiệp.
Có thể nói, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS ở nhưng vùng khó khăn đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, giúp cho người dân chủ động hơn về nguồn nước sạch trong sinh hoạt, nhất là vào mùa khô hạn. Thông qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, ổn định cuộc sống lâu dài, đặc biệt đã góp phần đáng kể vào thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Hướng đến giảm nghèo bền vững
Tiếp nối những thành quả đạt được, mục tiêu đặt ra trong năm 2023, Quảng Ninh sẽ triển khai chính sách hỗ trợ cho hơn 270 hộ gia đình có nhà tạm, dột nát với kinh phí hỗ trợ trên 19 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây là chính sách quan trọng giúp cho hàng trăm hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về đất ở, nhà ở được sống trong những căn nhà vững chắc, ổn định cuộc sống, vươn lên làm ăn, thoát nghèo bền vững.
Trao đổi với PV, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc Quảng Ninh cho biết để giúp các địa phương khắc phục khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai và đạt kết quả khả quan về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Nhờ vậy, đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới; trên 98% đồng bào DTTS có bảo hiểm y tế; 100% hộ đồng bào DTTS được xem truyền hình, nghe đài phát thanh Quốc gia và tỉnh Quảng Ninh; trên 95% người dân được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Theo ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh chỉ còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; hơn 2.450 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635%. Trong đó, thành phố Hạ Long không còn hộ nghèo, cận nghèo; 3 địa phương là thị xã Quảng Yên, huyện Cô Tô, Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Có được kết quả trên là do tỉnh Quảng Ninh đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, tạo đồng thuận và thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Nhất là sự tham gia của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo, trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện các chính sách hộ trợ người nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo mới, trong đó quan tâm, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất đai cho đồng bào vùng DTTS, để tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đặc biệt, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, nhất là hộ nghèo DTTS, miền núi, đồng thời phải hướng dẫn cho người nghèo biết tận dụng các cơ hội và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng xã hội để thoát nghèo, ông Lê Minh Sơn nhấn mạnh
Trong năm 2023, Quảng Ninh phấn đấu sẽ không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh; phấu đấu nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9%.