Hiệu quả từ hỗ trợ giống trâu bò để giảm nghèo
Với phương châm “Cho cần câu, không cho con cá”, việc hỗ trợ trâu bò giống, tạo sinh kế cho người dân trên địa bàn huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) thời gian qua đã mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Thông qua nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo của Trung ương và địa phương, người dân ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) được cấp trâu bò giống để phát triển chăn nuôi. Từ đó, nhiều hộ nghèo có cơ hội cải thiện sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, tăng cường năng lực kinh tế.
Gia đình ông Lê Văn Thuận, thuộc diện hộ nghèo của xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang. Năm 2008, gia đình ông được cấp một con bò giống sinh sản để chăn nuôi, tăng thu nhập. Sau khi nhận bò giống, ông Thuận chăm sóc cẩn thận theo hướng dẫn của ngành thú y để bò có thể phát triển, sinh sản tốt.
Đến nay, con bò đã sinh sản được nhiều lứa, những con bê con được sinh ra nay cũng đã trưởng thành và tiếp tục sinh sản. Ông Thuận cho biết: “Ban đầu do không có thu nhập, không có vốn, để đầu tư phát triển kinh tế gần như không thể, cuộc sống khó khăn. Khi Nhà nước cấp bò để nuôi, gia đình tôi rất vui mừng nên cố gắng chăm sóc để có vốn liếng”.
Được biết, từ một hộ nghèo trên địa bàn xã đến nay hộ ông Lê Văn Thuận đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi, có điều kiện sửa sang nhà cửa sạch gọn hơn. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm được tích lũy, ông Thuận mở rộng quy mô chăn nuôi góp phần tăng thêm thu nhập.
Năm 2014, gia đình ông Đinh Hoàng Long, xã Hương Thọ (nay thuộc xã Quang Thọ) được Nhà nước cấp cho một con trâu giống. Theo ông Long, chăn trâu phù hợp với điều kiện tại địa phương, thức ăn cho dễ kiếm, nên chi phí đầu tư, chăm sóc không đáng kể.
“Từ một con trâu giống ban đầu, đến nay đã tăng lên 4 con. Khi đàn trâu lớn, tôi tiếp tục chăm sóc, nhân đàn. Nguồn thu vì vậy sẽ được nâng lên, mỗi năm nguồn lợi từ chăn nuôi trâu giúp gia đình bà có thêm thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Hùng Cường – Chủ tịch UBND xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), cho biết : “ Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật & Bảo vệ cây trồng vật nuôi (ƯDKHKT&BVCTVN) huyện Vũ Quang triển khai mô hình dự án “Chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ”. Thời điểm đó, địa phương nhận được hỗ trợ 15 con trâu để phát cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn để nhân giống”.
Được biết, nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, đến nay những con trâu giống được bàn giao cho người dân ở xã Quang Thọ đã sinh trưởng, phát triển thành đàn. Nhiều hộ gia đình cũng nhờ đó mà tích lũy được kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Để tạo điều kiện giúp hộ nghèo phát triển chăn nuôi, những năm qua, huyện Vũ Quang tích cực kêu gọi các nguồn đầu tư, các dự án cấp phát hỗ trợ trâu bò giống cho người dân. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giúp người dân thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
Chương trình hỗ trợ bò giống cũng được triển khai hiệu quả ở các địa phương khác của huyện Vũ Quang, như: Đức Lĩnh, Đức Giang, Đức Ân, Đức Hương, Đức Liên… Đơn cử, tại xã Đức Lĩnh, từ 71 bê nghé được phân bổ cho các hộ nghèo theo chương tình tài trợ của Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup tài trợ, đến nay đã phát triển lên hàng trăm con. Hiệu quả của Chương trình giúp tạo thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân.
Điểm khác biệt so với các chương trình, dựa án hỗ trợ giảm nghèo khác, đó là mô hình hỗ trợ này giúp cho mỗi hộ nghèo một con bê để làm giống sinh sản. Nuôi dưỡng đến khi sinh sản lứa thứ nhất, nếu sinh ra bê cái sẽ luân chuyển cho gia đình khác. Cách luân chuyển như vậy đã khuyến khích người dân tham gia chăm chỉ lao động, chăm sóc vật nuôi để được hưởng lợi.
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vũ Quang , trong những năm qua, toàn huyện có hàng trăm con trâu bò cái nền, trâu bò đực giống được các tổ chức đoàn thể, các cấp, ngành, nhà tài trợ cấp phát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Để vật nuôi bảo đảm có thể trạng tốt, trước khi cấp cho người dân, ngành chuyên môn đã tiến hành tiêm ngừa đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Với phương pháp đó, trâu bò được nuôi một thời gian ở địa phương đã làm quen với khí hậu, thời tiết, thức ăn, nước uống...
Trên cơ sở kết quả đạt được từ mô hình , thời gian tới để mô hình đạt hiệu quả như đề ra, các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn huyện Vũ Quang tiếp tục quan tâm sát sao việc tổ chức thực hiện dự án. Các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung hoạt động của dự án đến người dân để hiểu rõ và phối hợp tham gia tổ chức thực hiện tốt. Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ tham gia quản lý dự án và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm kịp thời.