Xã hội

Huyện Lạc Dương, Lâm Đồng: Khởi sắc vùng dân tộc thiểu số

Minh Anh 23/10/2015 16:36

(TN&MT) - Với đặc thù là huyện có trên 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nên, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Lạc Dương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Có đường, thay đi cuộc sống

Đưng KNớ là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất huyện Lạc Duơng, vốn bị coi là “ốc đảo” thường cô lập vào mùa mưa nay đã khác. Con đuờng Đông Truờng Sơn dài 50km hoàn thành sau nhiều năm “oằn mình” chịu cảnh nắng bụi mưa lầy nối liền Đà Lạt - Đưng KNớ như tiếp thêm “hơi thở” cho xứ “mồi vàng”. Chủ tịch UBND xã Đưng KNớ Phi Srỗn Ha Ràng cười rạng rỡ: “Giờ việc đi lại của bà con thuận tiện lắm rồi. Các mặt hàng nông sản cũng không bị ép giá như trước. Đời sống người dân đã thật sự đổi thay từ khi có con đường này”.

ld1.jpg
Làm đường nông thôn đến các buôn làng vùng sâu vùng xa

Người dân 2 thôn vùng sâu của xã Lát là Đạ Nghịt và Păng Tiêng vui mừng khi xã chuyển trụ sở về đây. “Trước kia, muốn làm thủ tục giấy tờ gì người dân phải đi hơn 20km để ra trung tâm huyện rồi thêm khoảng 3km để đến trụ sở xã. Mất thời gian lắm, nhiều khi phải nghỉ việc nương rẫy nên nhiều người không đi làm giấy tờ như khai sinh cho con và đã bị phạt... Nay thuận tiện rồi, trụ sở xã chuyển vào gần, bà con không còn vất vả đi xa như trước”, chị KHồng - thôn Păng Tiêng, xã Lát chia sẻ.

Đu tư phát triển vùng đồng bào DTTS

Với 1 huyện đại bộ phận người dân là đồng bào DTTS, trong nhiệm kỳ qua, huyện Lạc Dương đã tập trung triển khai lồng ghép hiệu quả nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ phát triển sản xuất vùng DTTS như: Chương trình 134, 135, giảm nghèo bền vững, chương trình nông thôn mới, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chính sách về giáo dục, y tế, giải quyết đất sản xuất...

ld.jpg
Huyện Lạc Dương đang từng bước phát triển kinh tế vùng dân tộc.

Đồng thời, vận động người dân vay vốn phát triển sản xuất, chi tiêu tiết kiệm để có nguồn tích lũy tái đầu tư sản xuất, nâng cao đời sống. Từ đó, đời sống của đồng bào DTTS được cải thiện và nâng lên. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện giảm xuống còn 5,26%. 100% các xã, thị trấn có đủ trường học các cấp đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.

Đặc biệt, ở vùng sâu vùng xa, vùng DTTS có thêm nhiều điểm trường mới được thành lập, tạo điều kiện cho học sinh DTTS được đến trường mà không phải đi xa. Tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 90% và hộ sử dụng điện lưới quốc gia 99,5%, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của bà con...

“Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn xem các chính sách cho đồng bào DTTS là chính sách được quan tâm hàng đầu để thay đổi cuộc sống vùng DTTS” - ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết.

Minh Anh