Xã hội

Thái Nguyên hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.

T.T 06/11/2015 16:20

(TN&MT) - Theo Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, việc thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua đã tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo; an ninh, trật tự vùng dân tộc, miền núi có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng ở các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn được cải thiện.

tn.jpg
Đồng bào Mông ở xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ chuẩn bị gieo trồng hoa màu

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Chương trình 135 với tổng vốn gần 462 tỷ đồng, trong đó xây dựng gần 470 công trình cơ sở hạ tầng và dạy nghề cho hơn 11.500 học viên tham gia; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến cho gần 20 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Thực hiện Quyết định 1592 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã xây dựng gần 40 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho gần 40 xóm, bản với kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho 586.466 khẩu thuộc hộ nghèo vùng khó khăn với tổng kinh phí hơn 51 tỷ đồng. Với chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS, tỉnh đã hỗ trợ làm nhà ở cho gần 60 hộ, đất ở cho 25 hộ, đất sản xuất cho gần 30 hộ... với tổng kinh phí gần 2.900 triệu đồng. Trong đó, tỉnh đã tạo điều kiện cho hơn 1.100 hộ vay vốn phát triển sản xuất với số tiền hơn 8.630 triệu đồng.

Đến tháng 9/2015, tỉnh đã hỗ trợ giống, phân bón cho người Mông ở 2 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ trồng ngô vụ xuân cho 1.077 hộ, với diện tích hơn 555 ha, kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò phát triển đời sống cho người dân. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ người dân các dân tộc phát triển sản xuất, góp phần giúp người dân thoát nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 2037) được coi là chính sách đặc thù mà Thái Nguyên quyết tâm thực hiện, nhằm giảm dần khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa đồng bào Mông với các dân tộc khác trong vùng...

Với nguồn vốn huy động từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sự đóng góp kinh phí, ngay công của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động, hơn 40 km của 14/15 tuyến đường giao thông đặc biệt khó khăn đến các xóm, bản vừa hoàn thành.

tn1(1).jpg

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Triệu Minh Thái kiến nghị, để việc triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc cần tham mưu cho Chính phủ, tiếp tục thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020; cấp đủ kinh phí theo định mức quy định với các chương trình, chính sách dân tộc. Tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của đồng bào các dân tộc để đẩy nhanh thoát nghèo ở các xã, huyện nghèo trên địa bàn tỉnh...

Được biết, Thái Nguyên là tỉnh miền núi trung du có 8 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Kinh, Sán Dìu, Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Mông, Hoa. Trong đó, có 35 xã khu vực 1, hơn 40 xã khu vực 2, gần 50 xã khu vực 3; gần 600 xóm đặc biệt khó khăn; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 27% tổng số dân trên toàn tỉnh.

T.T