Nông dân Hải Hậu (Nam Định) giúp nhau giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Kết quả công tác Hội Nông dân và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 – 2023 của huyện Hải Hậu cho thấy, tình hình sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt huyện đã thúc đẩy phát triển nhiều mô hình nông dân giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo bền vững và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.
Trong đó, về tổng giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản năm 2022 đã đạt trên 3.700 tỷ đồng, tăng 694,2 tỷ đồng so với năm 2018. Giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác năm 2022 đạt 147,3 triệu đồng, tăng 35,3 triệu đồng so với năm 2018. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất.
Cơ cấu giống tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với ổn định năng suất, trong cơ cấu giống lúa đã có trên 90% các giống chất lượng cao; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất (từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch) như Mô hình liên kết sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao (diện tích 600 ha); Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (diện tích 310 ha); Mô hình gieo mạ khay, cấy lúa bằng máy (diện tích 3.200 ha với 82 máy); mô hình sản xuất cây dược liệu theo tiêu chuẩn GapWho (đinh lăng, thìa canh) tại các xã Hải Lộc, Hải Quang, Hải Châu…
Hội cũng đã triển khai kế hoạch tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân và hộ sản xuất kinh doanh giỏi tham gia tương trợ giúp đỡ trong nội bộ nông dân, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững với việc đã hỗ trợ 2732 hội viên thoát nghèo; hỗ trợ 36 hộ nghèo gặp khó khăn, nâng cao mức sống với số tiền trên 108 triệu đồng; vận động ủng hộ xây 7 nhà mái ấm nông dân cho hội viên với số tiền trên 1 tỷ đồng; Phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) tặng 100 suất quà cho các cháu học sinh con hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập với tổng số tiền 100 triệu đồng; Ủng hộ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với số tiền trên 127 triệu đồng; Phối hợp thực hiện tốt các hoạt động thăm hỏi tặng quà các đối tượng chính sách, hội viên nông dân nghèo nhân các ngày lễ, tết... Các hoạt động trên đã góp phần tăng hộ khá, giàu, giảm nhanh hộ nghèo; năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo còn 3,45% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện nâng lên. Người nông dân ngày càng chủ động, tích cực, trách nhiệm hơn đối với các công việc chung của cộng đồng dân cư với các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 được huyện chỉ đạo quyết liệt, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân cùng hưởng ứng thực hiện. Kết quả: Hết năm 2022 có 20/34 xã, thị trấn đạt các tiêu chí NTM kiểu mẫu (trừ chỉ tiêu nước sạch).
Mặc dù đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong năm 2022 về phong trào nông dân, song, việc tái cơ cấu nông nghiệp vẫn còn một số vướng mắc trong việc thực hiện đồng bộ, dẫn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa bền vững, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; Một bộ phận lao động việc làm không ổn định gây nên tình trạng mất cân bằng trong công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tình trạng bỏ ruộng hoang có xu hướng gia tăng dẫn đến đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn. Nông dân băn khoăn, lo lắng về biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên người, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giá các mặt hàng nông sản không ổn định; vấn đề ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; những bất cập về giáo dục, y tế, an toàn giao thông,…
Do đó, nhằm giải quyết các tồn tại và đổi mới, nâng cao hiệu quả chất lượng “Phong trào nông dân giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững” và đề ra định hướng giải quyết nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 – 2028, Hội Nông dân huyện Hải Hậu – Nam Định triển khai việc tuyên truyền, khích lệ, động viên nông dân vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững, vận động nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện vùng quy hoạch, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tham gia xây dựng và phát triển làng nghề; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi mùa vụ, nuôi trồng thủy sản và trồng màu, trồng cây dược liệu, tập trung tích cực sản xuất các vùng chuyên canh, ứng dụng các mô hình cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích.
Đồng thời, vận động nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tích cực tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường; Chú trọng thực hiện nhiệm vụ cụ thể của Hội trong tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu như phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh tại hộ gia đình để làm phân bón, xây dựng nhiều mô hình vườn, ao kiểu mẫu. Làm tốt công tác thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ngoài đồng, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.
Hướng dẫn, vận động nông dân thực hiện nghiêm túc các quy định trong trồng trọt, chăn nuôi hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn cho con người và môi trường. Vận động nông dân phát triển nghề mới và phát huy nghề truyền thống nhằm tạo việc làm, góp phần giải quyết lao động dư thừa, tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của quỹ hỗ trợ nông dân, tổ chức các cuộc vận động tăng trưởng quỹ, phấn đấu hằng năm tăng trưởng từ 10% trở lên trong đó có nguồn bổ sung từ ngân sách nhà nước. Thực hiện việc quản lý đảm bảo đúng nguyên tắc quy định; hỗ trợ vay vốn đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo toàn và phát triển nguồn vốn. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân nắm chắc, hiểu đúng pháp luật để tham gia liên kết, hợp tác có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, từ đó phát huy được vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp bền vững.