SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS

Thúy Nhi 27/04/2023 - 11:20

(TN&MT) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điều này kỳ vọng sẽ dần giải quyết được tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào từ nhiều năm nay.

Còn khó khăn trong đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS

Dù đã có chủ trương, chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS, song tình trạng đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất vẫn xảy ra. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất ở một số địa phương thực hiện còn chậm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, trong đó có đồng bào DTTS. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đời sống của một bộ phận người dân vùng đồng bào DTTS.

Theo điều tra thống kê năm 2019, cả nước còn khoảng 52.456 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở và nhà ở; 210.400 hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất; 462.061 hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Theo Ủy ban Dân tộc, về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi từ năm 2003 - 2016 đã hỗ trợ đất ở cho 93.664 hộ, đất sản xuất cho 107.827 hộ. Giai đoạn 2017 - 2020, về hỗ trợ đất ở có 46 tỉnh đã hỗ trợ được 9.523 hộ, diện tích 72ha, với nguồn vốn từ ngân sách địa phương là 189.266 triệu đồng, trong đó: các tỉnh được phân bổ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ được 9.362 hộ, diện tích 63ha với nguồn kinh phí là 187.859 triệu đồng; các tỉnh tự cân đối ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho 161 hộ, với 9ha, kinh phí là 1.407 triệu đồng.

Về hỗ trợ đất sản xuất có 46 tỉnh đã hỗ trợ được 3.900 hộ, diện tích 1.283ha, với nguồn vốn đầu tư là 30.205 triệu đồng, vốn vay là 38.792 triệu đồng, trong đó: các tỉnh được phân bổ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ được 1.929 hộ, diện tích 1.112ha, với nguồn vốn đầu tư là 13.823 triệu đồng, vốn vay là 35.107 triệu đồng; các tỉnh tự cân đối ngân sách địa phương đã hỗ trợ cho 1.971 hộ, diện tích 172ha, với nguồn vốn đầu tư là 16.382 triệu đồng, vốn vay là 3.685 triệu đồng.

Từ năm 2021 đến 2030, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và các nội dung ổn định dân cư có liên quan đến đất đai đối với đồng bào DTTS được thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, mục tiêu đến 2030 sẽ giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ;

Cũng theo Ủy ban Dân tộc, bất cập về chính sách liên quan đến Luật Đất đai năm 2013 là quy định "Trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số" còn chung chung, không giao chi tiết, chưa quy định vấn đề đảm bảo nguồn lực để cụ thể hóa Luật; một số văn bản dưới luật đã quy định và giao nhiệm vụ cụ thể nhưng chưa có tính bắt buộc; nguồn ngân sách thực hiện các chương trình, chính sách để cụ thể hóa Luật Đất đai vừa thiếu và không kịp thời, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp cho người dân, hoặc còn quỹ đất nhưng phải đầu tư kinh phí lớn để cải tạo mới có thể sử dụng; đất phân tán, rải rác ở nơi xa; thường là đất xấu hoặc thiếu nguồn nước, sản xuất khó khăn, kém hiệu quả. Có nơi giá đất quá cao so với mức hỗ trợ theo quy định hiện hành nên không thể thực hiện được.

Việc rà soát, thu hồi đất của các nông - lâm trường hoạt động kém hiệu quả để tạo quỹ đất hỗ trợ cho các hộ DTTS triển khai chậm; mặt khác, vùng đồng bào DTTS có diện tích rừng khá lớn nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, vườn quốc gia, khu vực bảo vệ nghiêm ngặt chưa có giải pháp khai thác tốt loại rừng này trong phát triển kinh tế; diện tích rừng giao cho cộng đồng quản lý hưởng lợi còn ít…

Kỳ vọng giải bài toán thiếu đất từ Dự thảo Luật

Để tháo gỡ những vướng mắc này, thể chế hóa quan điểm Nghị quyết 18- NQ/TW, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS.

4.jpg
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều quy định mới

Theo đó, Dự thảo Luật quy định, Nhà nước có chính sách bảo đảm đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Cùng với đó, có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có đất để sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sinh kế thông qua các hình thức: giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với những đồng bào DTTS chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh; cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất so với hạn mức. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định, Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS.

Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS với nhiều quy định mới. Việc quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương là điều rất cần thiết, sát với cuộc sống của đồng bào DTTS.

Bởi, chỉ khi các chính sách được ban hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu của đồng bào, thì chính sách ấy mới thực sự đi vào cuộc sống. Với những quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ giải quyết được bài toán thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS khi Luật có hiệu lực.

Thúy Nhi