Môi trường

Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái: Không để rác thải là thách thức với phát triển xanh

Thanh Ngà 26/04/2023 09:27

(TN&MT) - Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương phải thay đổi nhận thức và xác định rõ việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đã trở thành thách thức, không còn là vấn đề bức thiết. Cũng đã đến lúc phải xác định, dù là tỉnh kinh tế còn khó khăn những vẫn phải dành nguồn lực quan tâm đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ngày 25/4, Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị nghe báo cáo kết quả triển khai thực hiện “Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” (đề án). Thông qua hội nghị nhằm đánh giá tổng thể quá trình triển khai đề án, tìm ra những khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh thực hiện đề án.

Rác thải là thách thức đối với phát triển kinh tế

Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng, hiện nay việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đã trở thành thách thức, chứ không còn là vấn đề bức thiết. Chính vì vậy, yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương phải thay đổi nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của đơn vị mình trong việc triển khai thực hiện quản lý CTRSH.

z4292777187802_c010ba24cc003b500c964f4628dc30b9.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Bởi tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc. Trong đó, luôn xác định phát triển kinh tế hài hoà với văn hoá – xã hội và môi trường. Theo đó, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả như: Duy trì độ che phủ rừng, quản lý nguồn nước và quản lý nguồn phát thải…

Tuy nhiên, về công tác quản lý nhà nước về môi trường nói chung, đặc biệt công tác quản lý CTRSH việc đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu. Theo thống kê đến thời điểm hiện tại tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý đạt trên 88,8%, ở khu vực nông thôn đạt trên 33,7%. Nếu không thay đổi nhận thức, làm tốt công tác quản lý CTRSH thì đây chính là thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

“Hiện nay trên địa bàn tỉnh mới có một đơn vị thu gom xử lý chất thải rắn tập trung có áp dụng công nghệ, còn hầu hết đều xử lý theo hướng chôn lấp thủ công. Gần đây, có thêm một cơ sở xử lý tập trung được đầu tư tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Tuy nhiên, vừa đưa vào khai thác sử dụng đã gặp tồn tại vướng mắc phải dừng hoạt động. Như vậy, có thể thấy việc quản lý CTRSH là vấn đề rất lớn, việc ban hành đề án là hết sức cần thiết và kịp thời. Đã đến lúc chúng ta phải xác định, dù là tỉnh kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn phải dành nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý CTRSH”, Bí thư Tỉnh uỷ Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Quan tâm xử lý rác thải sinh hoạt

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã quan tâm, dành nguồn lực cho công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể, ngày 1/10/2020, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định 2311/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

img_0317.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước báo cáo kết quả thực hiện Đề án

Theo đó, khi triển khai thực hiện đề án đã giúp tăng cường năng lực quản lý nhà nước về CTRSH; tăng cường năng lực xử lý CTRSH; tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động quản lý CTRSH.

Từ năm 2020 đến nay, đề án đã triển khai thực hiện 2 nhóm nội dung chính: Đầu tư các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nâng cấp, cải tạo các khu xử lý hiện tại. Theo đề án, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đầu tư 13 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt với tổng kinh phí trên 272, 4 tỷ đồng, trong đó có 7 lò từ nguồn ngân sách Nhà nước, 6 lò từ nguồn xã hội hóa.

z4292805902602_1e55e94f3d4712138590ae860e5f8653.jpg
Các địa phương tham gia ý kiến vào đề án

Tuy nhiên, do một số địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong việc huy động, mời gọi xã hội hóa. Chính vì vậy, đã điều chỉnh hình thức đầu tư đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên và lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã Y Can, huyện Trấn Yên từ hình thức xã hội hóa sang ngân sách nhà nước. Hiện nay, kinh phí đã giải ngân là trên 33,3 tỷ đồng. Cũng theo đề án, tỉnh thực hiện đầu tư nâng cấp 15 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, đến nay có 2 bãi chôn lấp rác thải đóng, dừng tiếp nhận rác; 13 bãi rác còn lại chưa được đầu tư nâng cấp, cải tạo và hiện vẫn đang sử dụng.

Trách nhiệm của các cấp và toàn xã hội

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án như: Việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ, phương thức đầu tư, quản lý vận hành các lò đốt xử lý chất thải rắn sinh hoạt; huy động nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động thu gom, xử lý CTRSH còn hạn chế…

img_9917.jpg
Ông Hồ Đức Hợp - Giám đốc Sở TN&MT tham gia ý kiến vào đề án

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho rằng các ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu rất cụ thể, chi tiết và thẳng thắn. Đó là cơ sở quan trọng để thường trực Tỉnh uỷ xem xét đưa ra chủ trương để tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án.

Đánh giá kết quả thực hiện đề án, Bí thư Tỉnh uỷ khẳng định: Việc triển khai thực hiện đề án đã tạo bước chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, người dân, cộng đồng xã hội; nâng cao năng lực quản lý CTRSH, góp phần tích cực, quan trọng trong công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường sống, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân.

Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Công tác quản lý CTRSH là trách nhiệm chung của các cấp ủy, các đơn vị, địa phương và toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành TN&MT. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tạo cơ sở pháp lý cho việc hoạch định các chương trình, dự án đầu tư nhằm tăng cường và nâng cao năng lực xử lý CTRSH. Đồng thời, khuyến khích, có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và đầu tư xây dựng các công trình, dự án xử lý CTRSH tập trung với công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường”.

img_9932.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn phát biểu tại hội nghị

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, ban cán sự đảng UBND tỉnh phải tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện đề án sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, so sánh tiến độ đã được phê duyệt trong đề án để đánh giá mức độ hoàn thành các chỉ tiêu phần việc. Đồng thời, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương có liên quan trong việc chậm trễ, chậm tiến độ, thậm chí phải thay đổi bổ sung…Tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện đề án đến năm 2025 đảm bảo cụ thể, chi tiết đến từng phần việc và nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan phối hợp, các cấp uỷ chính quyền đoàn thể từ tỉnh đến địa phương.

Cùng với đó, Sở TN&MT rà soát, điều chỉnh tiến độ thực hiện các phần việc đang chậm tiến độ để đảm bảo tổng tiến độ thực hiện đề án đến năm 2025. Nhất là các khu xử lý CTRSH tập trung, xử lý nâng cấp đóng cửa các bãi chôn lấp CTRSH.

Đặc biệt, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Văn Yên xử lý các tồn tại, vướng mắc và các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành lò đốt rác thải tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, hoàn thành trong quý II/2023.

img_0313.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận hội nghị

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể các cấp làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của hội viên, người dân, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc thu gom, phân loại CTRSH tại nguồn.

Đối với các huyện, thị xã cần đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để sớm triển khai thi công xây dựng và đưa vào khai thác vận hành các cơ sở xử lý CTRSH tập trung trên địa bàn, bảo đảm đúng tiến độ.

Thanh Ngà