Biển đảo

Bộ TT&TT tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật về chủ quyền biển, đảo

Việt Anh 25/04/2023 - 20:47

(TN&MT) - Chiều 25/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến chính sách, pháp luật về chủ quyền biển, đảo.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các Sở Thông tin và Truyền thông phía Bắc, cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại, thông tin báo chí - xuất bản, các phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

bo-tt-tt(1).jpg
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, Việt Nam có đường bờ biển kéo dài trên 3.260km, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ với hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vĩ… Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã ý thức được tầm quan trọng và luôn coi việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Hội nghị Trung ương VIII (khóa XII), Đảng đã khẳng định, “biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết, ảnh hưởng to lớn đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân về chủ quyền biển đảo còn hạn chế; nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp về vai trò, vị trí của biển, phát triển bền vững kinh tế biển chưa đầy đủ…; công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

_mg_9367.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Chính vì vậy, tại Đại hội XIII của Đảng, Đảng, Nhà nước đã tiếp tục đề ra một số chủ trương lớn để phát huy hơn nữa sức mạnh của toàn dân và của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới như: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ” và “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế"…

Theo ông Hồ Hồng Hải, quán triệt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngày 9/8/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1490/QĐ-BTTTT về việc ban hành Kế hoạch tuyên truyền về biển và hải đảo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông giai đoạn 2022 - 2025 nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về biển, đảo, nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với các đối tượng là các nhà báo, phóng viên, biên tập viên - những người đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách thông qua các sản phẩm báo chí, phóng sự của mình để để đưa các quan điểm, đường lối của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ Tám của Đảng về công tác giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc đất nước.

_mg_9366(1).jpg
TS. Trần Công Trục - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao phát biểu tại Hội nghị

Trình bày về “Tình hình thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong những năm gần đây”, TS. Trần Công Trục - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao đã lưu ý tới báo chí, truyền thông cần phân biệt rõ: “Lãnh thổ quốc gia trên biển” (“Territories in Sea”) là thuật ngữ dùng để chỉ các vùng biển và thềm lục địa và các hải đảo thuộc chủ quyền, quyền và quyền tài phán quốc gia; bao gồm: Các thực thể địa lý (quần đảo, đảo, đá, bãi cạn) ở giữa biển và các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, quốc gia sở hữu. Đồng thời cho rằng, đến nay trên một số phương tiện thông tin báo chí vẫn sử dụng sai tên gọi Biển Đông mà Nhà nước ta đã chính thức công bố. Biển Đông là danh từ riêng, viết hoa cả 2 chữ, không phải viết là: biển Đông…

“Lâu nay, cụm từ “chủ quyền biển đảo” thường được sử dụng để thay cho thuật ngữ “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia” áp dụng cho các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo, với những quy chế pháp lý khác nhau khi xác định quyền hạn và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển, cũng như các quốc gia có biển hay không có biển khác. Điều này khiến cho nhiều người có nhận thức mơ hồ, lệch lạc về tính chất và mức độ bảo vệ và thực thi các quyền hợp pháp của quốc gia đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo, quần đảo mà hậu quả có thể có tác động tiêu cực đến các hành xử của các cá nhân, cơ quan quản lý, của các tầng lớp nhân dân trước những sự kiện xảy ra trên từng khu vực khác nhau…”, TS. Trần Công Trục lưu ý.

120230425161723.jpg
Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Trung tá Nguyễn Thanh Minh phát biểu tại Hội nghị

Đánh giá về vị trí, vai trò quan trọng của biển và đại dương, chính sách pháp luật của Việt Nam trên Biển Đông, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam Trung tá Nguyễn Thanh Minh chia sẻ, Việt Nam là quốc gia biển, biển và hải đảo có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Xuất phát từ vị trí, vai trò của biển và hải đảo, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đều xây dựng và thực thi chính sách biển, có những giai đoạn chính sách về biển đã thể hiện được sự đồng bộ và có hiệu quả, nhất là trong thời kỳ đổi mới.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Minh, những chính sách về biển là nội dung vô cùng cần thiết đối với quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Biển đảo có vị trí, vai trò rất quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được thể hiện ở ba phương diện: Đối với quốc phòng - an ninh, đối với sự phát triển kinh tế, đối với hợp tác quốc tế.

Thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về biển và hải đảo, Trung tá Nguyễn Thanh Minh cho biết, bên cạnh 7 đạo luật quan trọng có liên quan đến biển và hải đảo Việt Nam, Nhà nước ta đã ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về biển như các Nghị định, Thông tư… mang tính thống nhất, đồng bộ. Bên cạnh đó, Đảng ta cũng đã ban hành một số Nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam. Nổi bật trong đó, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”…

Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trung tá Nguyễn Thanh Minh cho rằng, đây là những chính sách pháp luật quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, muốn khai thác phát biển bền vững cần phải bảo vệ môi trường; gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Việt Anh