Quản lý chất thải rắn

Sơn La quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Nâng hiệu quả quy hoạch

Nguyễn Nga 25/04/2023 - 10:06

(TN&MT) - Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa, gia tăng dân số diễn ra mạnh mẽ làm gia tăng sự phát thải, tạo áp lực lớn tới môi trường.

Trước thực trạng đó, tỉnh Sơn La luôn quan tâm đẩy mạnh thu gom, xử lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là công tác quy hoạch, xây dựng các khu tập kết, xử lý rác thải.

Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh, thành phố Sơn La đã quy hoạch, xây dựng 2 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Trong đó, bãi chôn lấp rác thải Chiềng Xôm là bãi rác lộ thiên, đã thực hiện đóng cửa năm 2013. Khu xử lý CTRSH tại xã Chiềng Ngần có quy mô 25ha, công suất xử lý trung bình 75 - 79 tấn rác/ngày, áp dụng công nghệ chế biến rác hữu cơ thành phân bón kết hợp chôn lấp hợp vệ sinh.

son-la-day-manh-thu-gom-xu-ly-ctrsh..jpg
Sơn La đẩy mạnh thu gom, xử lý CTRSH.

Các huyện, thành phố còn lại đều đã lựa chọn, bổ sung quy hoạch khu vực tập kết, xử lý rác với 11 bãi chôn lấp CTRSH được phê duyệt quy hoạch đang hoạt động ổn định, góp phần nâng tỷ lệ thu gom CTRSH khu vực đô thị toàn tỉnh đạt trên 90%, nông thôn đạt 80%; tỷ lệ xử lý rác khu vực đô thị trên 96%.

Ông Nguyễn Đức Luyến - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Sơn La cho biết: Từ năm 2011, Sơn La đã ban hành Quy hoạch quản lý chất thải rắn với các định hướng, giải pháp phù hợp thực tiễn các địa phương. Qua đó, giai đoạn 2016 - 2020, trên 90% tổng lượng CTRSH đô thị phát sinh được thu gom, xử lý với 85% được tái chế, tái sử dụng làm phân bón hữu cơ hoặc thu hồi năng lượng; 60% tổng lượng CTRSH nông thôn được thu gom, xử lý hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, thực trạng xây dựng, quy hoạch quản lý CTRSH cũng như bộ máy nhân sự quản lý, các nguồn đầu tư tài chính… dành cho công tác này còn nhiều hạn chế. Chưa có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở xử lý, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý CTRSH; thiếu mô hình quản lý chất thải rắn hiệu quả, minh bạch để nhân rộng trên toàn tỉnh.

Việc đầu tư xây dựng các khu xử lý rác có công nghệ tiên tiến, hiện đại, tái chế, tận dụng rác thải hầu như chưa được triển khai. Tại 2 huyện Mường La, Quỳnh Nhai chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết khu xử lý CTRSH. Huyện Phù Yên đã thu hút được nhà đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác, nhưng người dân không đồng thuận vị trí triển khai. Một số huyện đã xây dựng xong khu xử lý CTRSH, nhưng chưa sử dụng được hệ thống xử lý nước rỉ rác.

Tại các vùng nông thôn, khu vực dân cư phân tán, đa số chưa quy hoạch các bãi tập kết, trạm trung chuyển để thu gom, vận chuyển CTRSH. Phương pháp xử lý vẫn là chôn lấp tại chỗ, đốt trực tiếp hoặc sử dụng lò đốt cỡ nhỏ, quy mô hộ gia đình với chi phí thấp, thiếu tính bền vững, chưa tính đến các vấn đề ô nhiễm về khí thải, rác thải thứ cấp…

khu-xu-ly-ctr-tp-son-la-1.jpg
Khu xử lý CTRSH tại xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La.

Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, khoảng 50% CTRSH đô thị được xử lý bằng công nghệ không chôn lấp trực tiếp. Do đó, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về CTRSH, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Thu Hằng cho biết: Tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành chủ động xây dựng, hoàn thiện các quy định về các cơ chế chính sách liên quan đến CTRSH.

Trong đó, sẽ rà soát, đánh giá tính khả thi của việc quy hoạch, kết quả xây dựng các cơ sở xử lý CTRSH tập trung liên vùng. Nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi đặc thù thu hút đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn tập trung tại các huyện có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, giảm tỷ lệ chôn lấp, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế, nhằm khai thác nguồn tài nguyên từ rác.

Kiểm tra, thống kê các bãi rác tự phát, có lộ trình xử lý triệt để, ngăn chặn việc hình thành các bãi rác mới. Quyết liệt yêu cầu các địa phương khi thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới không đầu tư các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Nguyễn Nga