Ứng phó BĐKH ở Bình Thuận: Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Thời gian qua, trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Bình Thuận đã chú trọng thực hiện các dự án, mô hình nhằm tăng khả năng thích nghi, giúp ổn định cuộc sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Nhiều mô hình hay
Xác định người dân tại các huyện miền núi là đối tượng đầu tiên chịu thiệt hại do BĐKH gây ra, nên các cấp, ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận đã và đang đặc biệt chú thực hiện các giải pháp để hỗ trợ sinh kế cho người dân ổn định đời sống và sản xuất. Điển hình là việc tạo điều kiện phát triển sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tăng năng suất; hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất trồng lúa sang trồng cây khác có khả năng thích ứng với BĐKH.
Theo đó, đã có hàng loạt mô hình được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, mang lại hiệu quả nhất định như: mô hình trồng cây củ đậu ở huyện Đức Linh; trồng khổ qua lấy hạt tại huyện Tánh Linh; trồng cây thanh long ở huyện Hàm Thuận Bắc… Những mô hình này khi được thực hiện không những đã giảm thiểu được sự ảnh hưởng của BĐKH mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, tạo được một nguồn sinh kế bền vững, cải thiện đời sống người dân địa phương, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ổn định và bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận cũng đã và đang tích cực triển khai thực hiện dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến BĐKH” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự án hiện đang tập trung thiết lập kết nối từ cơ sở hạ tầng thủy lợi tới ruộng của các hộ nghèo và cận nghèo để giúp họ đối phó với tình trạng biến động lượng mưa và hạn hán ngày càng tăng.
Cụ thể, dự án này sẽ thiết kế và xây dựng 216 hệ thống kết nối, phân phối, lắp đặt và bảo dưỡng thiết bị thủy lợi để ứng phó với BĐKH; tập huấn cho 216 hộ nghèo và cận nghèo sử dụng thiết bị tưới và bảo dưỡng hệ thống dựa trên thông tin về rủi ro khí hậu; đồng thời, triển khai xây dựng, nâng cấp 192 ao chống chịu với BĐKH; tập huấn cho hơn 1.082 hộ nghèo và cận nghèo về quản lý tài nguyên nước thích ứng BĐKH để tăng nguồn cung nước; nâng cao năng lực của nông hộ nhỏ trong việc áp dụng các phương thức và công nghệ tưới tiết kiệm nước nội đồng nhằm tối đa hóa năng suất nước để ứng phó với sự biến động về lượng mưa và hạn hán.
Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, dự án trên sẽ khắc phục các rào cản đối với an ninh nguồn nước cho sản xuất chống chịu với BĐKH thông qua đầu tư vào hệ thống và công nghệ tưới tiêu, trong đó có thiết bị trữ nước và tiết kiệm nước. Ngoài ra, việc hiện đại hóa và mở rộng các hệ thống tưới tiêu sẽ giúp nông dân tiếp cận với nguồn nước, cho phép họ đa dạng hóa và mở rộng diện tích cho các hệ thống canh tác. Dự án được thực hiện từ năm 2021 đến tháng 6/2026, tại 9 xã của huyện Hàm Thuận Nam và huyện Đức Linh, có gần 1.300 hộ dân được hưởng lợi.
Phục vụ giảm nghèo
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, mặc dù các mô hình, dự án đã được các địa phương áp dụng đều mang lại hiệu quả cao, các mô hình, dự án này vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa được nhân rộng. Mặt khác, một bộ phận người dân vẫn còn thụ động, chưa mạnh dạn chuyển đổi, thâm canh sang cây trồng khác.
Để phát huy hiệu quả các mô hình, dự án và duy trì sinh kế ổn định cho người dân tại các vùng chịu tác động của BĐKH, ngoài việc tiếp tục khuyến khích, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, thân thiện với môi trường, Bình Thuận cũng sẽ tích cực kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hướng vừa giải quyết những khó khăn về vốn đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ người dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định; đồng thời, tìm các giải pháp nhân rộng các mô hình nông nghiệp thích ứng BĐKH. Vì đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ở địa phương, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững
Ông Trần Nguyên Lộc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết: Để góp phần nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về BĐKH cho người dân nhằm hình thành ý thức chủ động ứng phó với các tác động của BĐKH trong mọi tình huống; phối hợp với các địa phương tập trung rà soát, bổ sung, xác định rõ các vùng, khu vực, địa bàn chịu sự tác động của BĐKH để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, điều chỉnh phương án ứng phó với BĐKH hợp lý.
Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cũng sẽ tăng cường theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo thiên tai trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là công tác dự báo và cảnh báo sớm với độ tin cậy cao nhất để các cơ quan phòng chống thiên tai của địa phương và người dân có thêm thời gian chuẩn bị và xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả.