Xã hội

Yên Bái: Cải thiện sinh kế từ rừng

Thanh Ngà 09/11/2018 14:04

(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để chấm dứt tình trạng phá rừng và góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương

Đến nay, đã gần 7 năm tỉnh Yên Bái thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Có thể khẳng định, đây là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để chấm dứt tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Năm 2017, tổng diện tích rừng có cung ứng DVMTR là 174.123ha, đã chi trả trên 66,7 tỷ đồng tiền DVMTR thu được của 25 nhà máy thủy điện và 4 công ty cung cấp nước sạch. Chính sách chi trả DVMTR huy động nguồn lực xã hội để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giảm đáng kể đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho quản lý, bảo vệ rừng. 

Ông Tô Xuân Quý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái cho biết: Rừng trên địa bàn tỉnh có khả năng cung ứng 2 loại DVMTR, đó là các nhà máy thủy điện và Công ty nước sạch. Từ năm 2016, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chuyển đổi hình thức hoạt động từ kiêm nhiệm sang chuyên trách, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các chủ rừng và các cơ quản lý Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp có đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ năng lực để thực hiện việc chi trả DVMTR.

“Đặc biệt, từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh đã có những tác động tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đó là tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm hẳn. Có thể thấy, so với năm 2012 số vụ cháy rừng đã giảm trên 80%. Hơn nữa, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng DVMTR”, ông Tô Xuân Quý nói.

Từ đầu năm 2012, tỉnh Yên Bái bắt đầu triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Chi trả tiền DVMTR là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp khi sử dụng cả nguồn nước và lưu vực sông. Chính sách chi trả DVMTR không những tạo nguồn tài chính góp phần đầu tư trực tiếp vào việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển tài nguyên rừng, cải thiện môi trường sống, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến rừng, góp phần nâng cao chất lượng DVMTR.

Những năm trước đây, tại một số huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái thường xuyên xảy ra tình trạng cháy rừng. Sau mỗi vụ cháy rừng hàng ngàn héc ta rừng già, rừng nguyên sinh bị biến mất do sự bất cẩn của người dân khi t đốt nương làm rẫy, chăn thả in gia súc, săn bắn thú rừng...

Chỉ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 99/2010/NĐ-CP,
ngày 24/9/2010, có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, quy định 5 chính sách Chi trả DVMTR áp dụng đối với các nhà máy - thủy điện, các cơ sở SX và cung cấp nước sạch, các cơ sở công nghiệp sử dụng trực tiếp nguồn nước, các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ môi trường rừng. Từ đó mức tiền chi trả cho người Bảo vệ rừng được nâng lên theo sản lượng điện mà các nhà máy thủy điện sản xuất ra hàng năm. Khi lợi ích của người dân được nâng lên từ việc bảo vệ rừng thì người dân đã có trách nhiệm với rừng hơn

Mặt khác, rừng trong vùng được hưởng chính sách chi trả DVMTR được bảo vệ tốt hơn, đời sống người lao động nghề rừng được cải thiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị tại địa phương. Cùng với đó, bên sử dụng DVMTR (nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất nước sạch) có nguồn nước đảm bảo cho việc sản xuất điện năng, nước sạch phục vụ cho đời sống nhân dân, tạo ra giá trị kinh tế lớn cho doanh nghiệp. Bên cung ứng DVMTR (các chủ rừng, hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng, cộng đồng...) được trả tiền bằng chính kết quả lao động của mình, giá trị lao động của người lao động làm nghề rừng đã trở thành hàng hóa giúp cải thiện đời sống cho người dân.

Thanh Ngà