Môi trường

Huyện Củ Chi: Giảm nghèo bền vững gắn với BVMT nông thôn

Nguyễn Thanh 24/04/2023 - 12:59

Huyện Củ Chi nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây Bắc TP.HCM, có diện tích tự nhiên gần 434,8 km2 (chiếm 21% diện tích toàn thành phố), dân số 460.00 người. Thời gian qua, huyện Củ Chi đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững…

a2.-mo-hinh-trong-rau-sach.jpg
Mô hình trồng rau sạch tại xã Trung An (Củ Chi) giúp người dân nâng cao thu nhậpMô hình trồng rau sạch tại xã Trung An (Củ Chi) giúp người dân nâng cao thu nhập

Trao “cần câu” cho người nghèo

Trong những năm qua, huyện Củ Chi đã triển khai nhiều giải pháp, hành động thiết thực nhằm chăm lo, hỗ trợ các gia đình chính sách khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Điển hình như các hoạt động: hỗ trợ xây mới nhà tình thương, sửa chữa chống dột, trao phương tiện sinh kế, chăm lo thương binh nặng, thương binh đặc biệt nặng có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ thường xuyên cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Cùng với Ban giảm nghèo bền vững huyện, các xã, thị trấn cũng thành lập 399 tổ tự quản giảm nghèo. Từ đó, mỗi thành viên trong tổ đã tích cực nâng cao trách nhiệm, tận tình, gần gũi, hỗ trợ kịp thời cho người nghèo; đồng thời tổ chức tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm bảo đảm công khai, dân chủ, đúng đối tượng để có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp, đúng với nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo. Trong đó, các đoàn thể, UBND xã, thị trấn đã phát huy nhiều mô hình hay, hiệu quả.

Bà Trương Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Củ Chi cho biết, trong những năm qua, thực hiện chủ trương chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền chăm lo, hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững, Mặt trận Tổ quốc đã tăng cường các chương trình hoạt động mang tính hiệu quả, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.

Đơn cử, mô hình trao phương tiện sinh kế là một trong những mô hình hiệu quả đã được triển khai và nhân rộng trên toàn địa bàn huyện. Với phương châm "Cho cần câu chứ không cho con cá", mô hình đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo bền vững. Các phương tiện được trao tặng dựa trên nguyện vọng, hoàn cảnh thực tế của từng cá nhân hộ nghèo như: máy may, xe bánh mì, xe nước mía, xe gắn máy… đã giúp hàng trăm hộ nghèo có cơ hội mưu sinh phù hợp với bản thân, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, chương trình trao bò giống cho hộ nghèo tại xã Phạm Văn Cội đã giúp hàng chục hộ gia đình của xã có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

a1-trao-so-tiet-kiem.jpg
Trao sổ tiết kiệm cho hộ nghèo tại xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi)

Bên cạnh đó, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Củ Chi, trong quá trình thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo đã hình thành nên các mô hình tự quản, tổ tự quản giúp nhau thoát nghèo. Thông qua hoạt động của các tổ tự quản này, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo được trợ nghề, trợ vốn, hướng dẫn thay đổi cách chăn nuôi, trồng trọt, canh tác hoa màu phù hợp với xu thế mới để… vươn lên thoát nghèo.

Điển hình, nhiều hộ nghèo ở ấp Bình Hạ Đông (xã Thái Mỹ) sau khi tham gia tổ tự quản đã học được nghề nuôi cá bột cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm từ thiện, phóng sinh. Nghề nuôi cá bột không cần diện tích đất lớn, không phải đào ao thả cá, ngược lại chi phí đầu tư thấp… nên rất phù hợp với hộ nông dân nghèo tự làm chủ hơn đi làm thuê.

Với các giải pháp tổng thể trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, Củ Chi đã về đích trước 2 năm Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020; đồng thời tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tổng hợp giảm nghèo bền vững, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,64% và hộ cận nghèo còn 2% theo tiêu chí mới của thành phố.

Bên cạnh đó, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt theo tiêu chí nâng cao của TPHCM. Mạng lưới cung cấp nước sạch 1.476km đã hoàn thành. Toàn huyện có 178/178 ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa, hầu hết các xã đạt chuẩn văn hóa, nông thôn mới và thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị

a3-tuyen-duong-kieu-mau.jpg
Người dân Củ Chi tham gia trồng hoa tại một tuyến đường kiểu mẫu

Vận động toàn dân tham gia BVMT

Theo UBND huyện Củ Chi, đến nay, công tác thu gom rác sinh hoạt, rác y tế trên địa bàn huyện gần như đạt 100%. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cũng được nâng chất và nhận được sự đồng thuận cao trong dân, người dân đã tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc và cả tiền với tổng giá trị gần 62 tỷ đồng để chung sức làm đường. Huyện đã thực hiện giải tỏa và xây dựng 04 tuyến đường kiểu mẫu, ở cấp xã xây dựng 84 tuyến đường kiểu mẫu và vận động lắp đặt gần 18.500 thùng rác, trồng trên 150.000 cây xanh.

Đặc biệt, huyện đã xóa được 57/57 điểm rác tự phát, 100% số hộ dân đăng ký thu gom và xử lý rác, kết nối với các dịch vụ thu gom rác dân lập thay đổi phương tiện thu gom. Ở các tuyến, hộ dân trong hẻm sâu được hướng dẫn phân loại, xử lý chất thải hữu cơ thành phân vi sinh…

Tại xã Thái Mỹ, mô hình cánh đồng Xanh – Sạch – Đẹp được Hôi Nông Dân xã triển khai trên khu vực trồng lúa rộng 150ha. Tại khu vực này, 40 thùng rác loại lớn với tổng kinh phí 12 triệu đồng được được bố trí để nông dân chứa bao bì, chai lọ của phân, thuốc bảo vật thực vật. Thời gian qua, mô hình này đã giúp người dân ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh đồng ruộng, bảo vệ môi trường nông thôn.

Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết: Thời gian tới, huyện Củ Chi tăng cường triển khai Kế hoạch xây dựng đường, làng, ngõ, hẻm không rác, xanh - sạch - đẹp trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025. Đồng thời kết hợp chương trình Xây dựng Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh đó, huyện đã có kế hoạch vận động thành lập Hợp tác xã thu gom rác nhằm nâng cao năng lực của các đơn vị thu gom rác. Từ đó tạo điều kiện cho đơn vị tiếp cận các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi phương tiện theo quy định hệ thống thu gom, phấn đấu cơ bản hoàn thành chuyển đổi phương tiện trong năm 2023.

Đồng thời, Củ Chi sẽ tiếp tục triển khai Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” bằng nhiều giải pháp như: tiếp tục tăng cường vận động gắn với xử phạt hành chính để giáo dục ý thức người dân; đưa nội dung, giải pháp thực hiện Chỉ thị 19 vào sinh hoạt chi bộ định kỳ và sinh hoạt chuyên đề; tăng cường vai trò giám sát của các cấp ủy Đảng, MTTQ, ban ngành đoàn thể…

Nguyễn Thanh