Ngành TN&MT

Kỳ vọng về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam

Khương Trung 21/04/2023 - 21:47

(TN&MT) – Tại Hội nghị Giao ban về Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường Cục Kiểm soát ô nhiễm Môi trường mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành của các Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, từng bước giải quyết các vấn đề và kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng trong thời gian tới.

anh-tap-the.jpg
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Giao ban về Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường

Chiều 21/4 Hội nghị Giao ban về Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (KSONMT) Hoàng Văn Thức cùng các Phó Cục trưởng Lê Hoài Nam, Hồ Kiên Trung chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các đơn vị của Cục KSONMT, Lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam gồm 19 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Thành phố Hồ Chí Minh.

doan-chu-tich(1).jpg
Hội nghị Giao ban về Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều ngày 21/4.

Hội nghị tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về BVMT

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục KSONMT Hoàng Văn Thức thông tin, Hội nghị được diễn ra trong bối cảnh năm 2023 là thời điểm tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; là năm bản lề để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương đảng Khóa XIII, trong đó đã xác định bảo vệ, cải thiện môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, môi trường hiện nay vẫn đang chịu nhiều áp lực lớn từ hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nóng, chú trọng phát triển theo chiều rộng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên; vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ trở nên nghiêm trọng, cùng với các thách thức truyền thống và phi truyền thống khác sẽ còn tác động mạnh đến sự phát triển của quốc gia trong những năm tới.

cuc-truong-hvt.jpg
Cục trưởng Cục KSONMT Hoàng Văn Thức phát biểu

“Các vấn đề và yêu cầu nêu trên đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng.” – ông Thức nói.

Theo ông Thức, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau; có những thay đổi căn bản so với các quy định trước đây. Sau hơn 01 năm triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành vẫn có những lúng túng nhất định ở một số cơ quan quản lý các cấp, cần tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cụ thể và thống nhất thực hiện.

Nhằm xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 là triển khai có hiệu quả, đồng bộ các quy định, chính sách của Luật BVMT 2020; nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường… Ông Thức cho biết, Hội nghị giao ban cấp vùng về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam nhằm hướng dẫn các quy định, chính sách của Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết thi hành, giúp việc triển khai thực hiện được thuận lợi và thống nhất; đồng thời, hướng dẫn, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về BVMT, đặc biệt là việc triển khai đồng bộ các hoạt động về kiểm soát ô nhiễm môi trường có tính đặc trưng của khu vực và các vấn đề mang tính liên vùng, liên tỉnh.

cuc-pho-nam.jpg
Phó Cục trưởng Lê Hoài Nam tham luận về công tác BVMT 

Kỳ vọng 3 mục tiêu quản lý môi trường phù hợp với thực tiễn

Tại Hội nghị, để nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, Hội nghị được chia làm hai phiên hội thảo chuyên môn, trong đó nhóm 1 tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định; kiểm soát, giám sát các điểm nóng và hoạt động ứng phó đối với các sự cố môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam. Nhóm 2 thảo luận về tình hình cấp Giấy phép môi trường, kiểm tra việc thực hiện nội dung của Giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các địa phương; Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại.

Ngoài ra, tại phiên toàn thể, đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý thẳng thắn từ các cơ quan quản lý về môi trường tại địa phương, trong đó, ưu tiên vào các nội dung trọng tâm như: Những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT; cơ chế phối hợp giữa Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường với các Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát, giám sát các điểm nóng và ứng phó đối với các sự cố môi trường; tình hình cấp Giấy phép môi trường, kiểm tra việc thực hiện nội dung của Giấy phép môi trường; công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại.

pgdd-so-tnmt.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc sở TN&MT Tp.HCM phát biểu tham luận

Qua hai hội thảo chuyên môn cùng một phiên toàn thể, để công tác quản lý môi trường phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường, phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của đất nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói chung, các đại biểu từ 19 tỉnh, thành tham gia tại Hội nghị giao ban vùng về kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn miền Nam, cũng như Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường mong muốn đạt được các mục tiêu:

Thống nhất nhận thức về những vấn đề môi trường lớn đặt ra đối với các tỉnh phía Nam trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm từng bước nâng cao chất lượng môi trường, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan.

dai-bieu(1).jpg
Đại diện doanh nghiệp tham luận tại Hội nghị

Xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đề xuất các giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các miền Nam trong giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo.

toan-canh(1).jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Tăng cường công tác phối hợp có hiệu quả giữa Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và các Sở Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chuyên môn về quản lý môi trường cấp tỉnh; Tạo lập diễn đàn đối tác công tư để các nhà quản lý các cấp, các chuyên gia trao đổi, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thảo luận, đánh giá về các vấn đề môi trường, các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các tỉnh phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

ket-luan.jpg
Kỳ vọng về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh miền Nam

Kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục KSONMT Hoàng Văn Thức cho biết, thời gian tới vấn đề môi trường vẫn sẽ rất còn “nóng”, do đó công tác quản lý, bảo vệ môi trường luôn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Do vậy, tiếp theo Hội nghị này, Cục trưởng Cục KSONMT mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành của các Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, từng bước giải quyết các vấn đề và kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng trong thời gian tới; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường theo đúng các mục tiêu đã được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

Khương Trung