Biến đổi khí hậu

Bắc Yên (Sơn La): Nỗ lực sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai

Nguyễn Nga 21/04/2023 - 21:42

(TN&MT) - Chịu ảnh hưởng của 18 loại hình thiên tai, điển hình là lũ quét, mưa lớn, sạt lở đất, dông lốc… những năm qua, Bắc Yên đã rà soát các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, vùng thường xuyên ngập lụt, để có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhà nước, nhân dân.

by-1.jpg
Tháng 8/2022, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở đất đá vào nhà 10 hộ dân bản Suối Sát.

Khẩn trương bố trí, sắp xếp dân cư bản Suối Sát

Nằm cách trung tâm xã Hua Nhàn 24km, Suối Sát là một trong những bản vùng cao có địa hình chia cắt khá phức tạp. Toàn bản có 90 hộ dân, trên 500 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống và canh tác nông nghiệp tại các sườn đồi, ven suối. Dưới ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan, hàng năm, cứ đến mùa mưa, khu vực bản có hiện tượng sạt lở, trượt đất đá gây ảnh hưởng đến đời sống, an toàn tính mạng nhân dân trong bản.

Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: Năm 2018, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ UBND xã, Đoàn công tác UBND huyện đã tiến hành đo đạc, xác định thực tế tại khu vực sạt lở trong bản. Kiểm tra tại 6 điểm sạt lở, có 63 hộ dân của bản nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao cần di dời đến địa điểm an toàn tập trung, gồm 25 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, 38 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở.

UBND huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị có liên quan thực hiện quy trình đầu tư Dự án Sắp xếp dân cư bản Suối Sát, xã Hua Nhàn, nhằm đảm bảo cho các hộ dân nơi ở mới ổn định, được đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật an toàn, bền vững.

Dự án được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mới giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết 15/NQ-HĐND ngày 10/8/2021. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa bố trí được kinh phí thực hiện.

by-4.jpg
Đoàn công tác huyện Bắc Yên khảo sát thực tế địa điểm dự kiến di chuyển nhân dân bản Suối Sát đến tái định cư (Ảnh: Hàng A Chớ)
by-5.jpg
Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên Đào Văn Nguyên làm việc, nắm bắt tình hình đời sống của bà con bản Suối Sát, xã Hua Nhàn (Ảnh: Hàng A Chớ)

Tháng 8/2022, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở đất đá vào nhà 10 hộ dân bản Suối Sát. Xã Hua Nhàn đã kịp thời huy động lực lượng di chuyển người, tài sản của các hộ dân bị ảnh hưởng đến các hộ khác để đảm bảo an toàn.

Tại buổi khảo sát, nắm tình hình sạt, trượt, lở đất đá, đời sống nhân dân bản Suối Sát, xã Hua Nhàn ngày 17/4 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên Đào Văn Nguyên đã yêu cầu các phòng ban liên quan của huyện phối hợp với xã Hua Nhàn tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách, lộ trình thực hiện Dự án sắp xếp dân cư bản Suối Sát.

Trước mắt, đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nhân dân nắm tình hình thời tiết khi có mưa bão, chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Chủ động PCTT theo phương châm "4 tại chỗ"

Là huyện vùng cao có địa hình phức tạp, dốc đứng, nhiều núi cao, khe sâu, diện tích đất bằng rất ít, kết cấu địa chất không vững chắc, Bắc Yên chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai, nhất là lũ, sạt lở đất đá.

a1.jpg
Điểm trường THCS Tạ Khoa, xã Tạ Khoa thường xuyên xảy ra ngập lụt khi xảy ra mưa lớn kéo dài.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, năm 2022, toàn huyện có 480 nhà dân, 2 điểm trường; hơn 600 gia súc, 197ha rau màu; 9 công trình thủy lợi, 4 công trình nước sinh hoạt, 23 cột điện bị thiệt hại do thiên tai; cùng nhiều đoạn đường giao thông liên bản, liên xã, tỉnh lộ, quốc lộ bị sạt lở….

UBND huyện đã hỗ trợ di chuyển khẩn cấp cho 38 hộ, hỗ trợ 69 hộ bị hư hỏng mái nhà do mưa đá. Chú trọng triển khai các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai.

Theo Quy hoạch, giai đoạn đến năm 2025, Bắc Yên đã và đang triển khai 4 Dự án, gồm: Bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai bản Đung, xã Hồng Ngài cho 36 hộ dân; Bố trí, sắp xếp dân cư vùng nguy cơ trượt, sạt lở đất đá tại bản Ngậm, xã Song Pe cho 91 hộ dân; Dự án sắp xếp, ổn định dân cư Pưa Lương, bản Tà Đò xã Tạ Khoa cho 42 hộ dân; Sắp xếp, ổn định dân cư Suối Tào, bản Tăng, xã Chiềng Sại cho 47 hộ dân.

a2.jpg.jpg
Bắc Yên duy trì diễn tập ứng phó lũ bão và tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, để chủ động PCTT, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, kiểm tra công tác chuẩn bị PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” từ cấp huyện đến cơ sở. Rà soát, bổ sung phương tiện, vật tư, lực lượng phục vụ công tác PCTT.

Chỉ đạo các xã, thị trấn lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm. Hướng dẫn nhân dân cơ cấu, mùa vụ, chủng loại giống để sản xuất nông, lâm nghiệp, gắn với phòng chống thiên tai ngay từ đầu năm. Duy trì diễn tập ứng phó lũ bão và tìm kiếm cứu nạn để nâng cao tinh thần cảnh giác trong phòng, chống thiên tai cho người dân.

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0 phù hợp với công tác PCTT trong tình hình mới. Sử dụng hiệu quả kinh phí trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục, tái thiết sau thiên tai.

Nâng cao chất lượng thông tin, truyền tin, dự báo, cảnh báo thời tiết và thiên tai đến cộng đồng; đồng thời, nâng cao năng lực ứng phó của các cấp chính quyền, nhất là tại cơ sở xã, bản, cộng đồng dân cư, đảm bảo thông tin chỉ đạo kịp thời, thông suốt.

Nguyễn Nga