Đổi thay ở đồng bào dân tộc Khơ Mú huyện Mường Lát
Nghèo đói đeo bám, hủ tục lạc hậu, mù chữ, tảo hôn, đường sá đi lại khó khăn... tình trạng tồn tại bao nhiêu năm trăn trở các đồng bào dân tộc Khơ Mú, huyện Mường Lát. Từ khi có những chính sách của Nhà nước được đầu tư về đây đất đã "nở hoa", tư duy đã thay đổi, một luồng gió mới về trên bản Lách.
Mường Lát (Thanh Hóa) là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước, chủ yếu đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế phụ thuộc vào các chính sách của Nhà nước. Trên địa bàn huyện có 6 dân tộc anh em sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh, trong đó dân tộc Thái và Mông chiếm đa số, dân tộc Khơ Mú chỉ chiếm 2,49%. Dân tộc Khơ Mú sống ở bản Lách, xã Mường Chanh và bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là thị trấn Mường Lát).
Những năm trước đây đời sống của bà con dân tộc Khơ Mú gặp rất nhiều khó khăn khi diện tích canh tác ít, đồi núi chủ yếu là đá tai mèo, nhiều hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chiếm tỷ lệ cao. Người dân sống chủ yếu bằng việc trồng lúa với diện tích ít ỏi, chăn thả trâu, bò trong rừng.
Nhiều chính sách 30a, 135… được đầu tư tại hai bản; đặc biệt là Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” sau đó gia hạn đến năm 2021 đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời tập huấn, phổ biến kiến thức nâng cao nhận thức của người dân về hệ lụy của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thay đổi tư duy trong làm kinh tế từ đó góp phần tạo sinh kế giảm nghèo bền vững.
Theo đó, tổng vốn ngân sách tỉnh bố trí thực hiện Đề án giai đoạn 2017 -2021 là 7.539,9 triệu đồng. Trong đó: kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là 6.318,9 triệu đồng, đầu tư 06 công trình (gồm: 04 công trình giao thông, 01 công trình nước sinh hoạt, 01 công trình nhà văn hóa; kinh phí tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức là 1.221 triệu đồng.
Mục tiêu của Đề án là tiếp tục bố trí dân cư ổn định tại chỗ, sắp xếp lại dân cư theo hướng khoa học, thuận tiện trong sinh hoạt, thôn, bản xanh –sạch – đẹp; vận động nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa, vận động nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu.
Bản Lách, xã Mường Chanh là một trong hai bản được chọn để triển khai đề án. Bản Lách hiện có 52 hộ với 264 nhân khẩu, 100% người dân tộc Khơ Mú, có 4,2km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Trước năm 2016, bản Lách có 100% hộ nghèo, tình trạng thiếu ăn diễn ra liên tục, vào bản là đường đất xe cơ giới không thể đi được. Hiện tại đường bê tông vào tận từng hộ gia đình, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 30/53 hộ.
Dẫn chúng tôi vào bản Lách là anh Lò Văn Luyện – PCT UBND xã Mường Chanh. Anh Luyện sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mường Chanh, những câu chuyện của Anh gắn liền với từng thớ đất, từng cánh rừng nơi đây. Chính vì là người dân ở đây, lại công tác tại ủy ban xã Anh là người chứng kiến từng đổi thay của quê hương mình.
Trong câu chuyện của anh chúng tôi cũng dần mường tượng ra những khó khăn của người dân những năm về trước, thời điểm chưa được nhà nước đầu tư nhiều. Theo anh kể, trước đây vào bản Lách không có đường bê tông mà chỉ có đường đất, đi bộ từ trung tâm xã vào cả nửa ngày những hôm mưa to thì không thể qua suối. Thế nhưng nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước người dân có đường bê tông để đi, có nhà văn hóa để sinh hoạt, có nước sinh hoạt hợp vệ sinh để sử dụng.
Đặc biệt tư duy không kết hôn ngoài dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tộc Khơ Mú, vì vậy tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong bản xảy ra thường xuyên. Nhưng từ khi Đề án được triển khai bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng; Ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cấp ủy tập huấn, tuyên truyền cho người dân hiểu được những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Từ đó tư duy của người dân tộc Khơ Mú ở bản Lách cũng đã thay đổi, nhiều trường hợp đã đi lấy vợ, lấy chồng ở nơi khác. Theo thống kê hiện không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống, cả bản đã có 8 người phụ nữ đi lấy chồng nơi khác.
Đặc biệt, bản Lách là bản có tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động cao nhất của huyện Mường Lát, cả bản đã có 40 người đi lao động ở các nước như: Đài Loan, Nhật Bản, Ả rập xê út.
Ông Trịnh Văn Xôm (Trưởng bản Lách hơn 20 năm vừa nghỉ hưu năm 2022) chia sẻ: Trước đây bản Lách nghèo lắm, diện tích đất canh tác ít, người dân chủ yếu sống bằng nghề chăn thả trâu, bò, nuôi lợn bản địa. Để ra trung tâm xã rất khó khăn vì là đường đất, trời mưa thì cả bản bị cô lập. Nhiều chương trình, dự án được triển khai trên địa bàn, đặc biệt là Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Từ đó đường sá được bê tông hóa vào tận bản, có nhà văn hóa bản, có công trình nước sinh hoạt tập trung. Đặc biệt là việc thay đổi tư duy của người dân tộc Khơ Mú, người dân đã đi làm ăn xa không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài, anh em họ hàng không lấy nhau nữa.
Trưởng bản Xôm cũng là người tiên phong trong việc khai hoang mở rộng đất sản xuất, cho con trai đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, con gái đi Ả rập xê út sau đó về lấy chồng và sinh sống ở huyện Hoằng Hóa. Trưởng bản Xôm là tấm gương góp phần thay đổi tư duy, nhận thức đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tộc Khơ Mú.
Thầy giáo Cút Văn Sao, sinh năm 1983 cũng là người tiên phong trong việc ốm đau không cúng thầy mo mà đi chữa bệnh ở bệnh viện. Thầy cũng là người dân tộc Khơ Mú ở bản Lách đầu tiên đi học Đại học và trở về quê hương cống hiến, hiện thầy đang dạy ở điểm trường tiểu học Mường Chanh khu Chai Lách.
Thượng tá Lưu Văn Hảo, Tổ công tác địa bàn Đồn Biên phòng Quang Chiểu chia sẻ: Đã nhiều năm gắn bó với người dân nơi đây, từ đó mới thấy những đổi thay về cuộc sống cũng như tư duy của dân tộc Khơ Mú. Cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, đời sống của người dân được nâng cao, tư duy nhận thức đã có nhiều thay đổi. Trẻ em được tới trường, thanh niên đã chịu khó đi làm ăn xa không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Việc thay đổi tư duy nhận thức của người dân tộc Khơ Mú là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy chính quyền. Đó là một chặng đường nan giải những cuối cùng đã thành công.
Rong ruổi trên những cung đường miền tây của tỉnh Thanh Hóa mới thấy hết được những đổi thay của các huyện miền núi, đặc biệt là huyện Mường Lát. Nhờ có những chính sách đầu tư của Nhà nước mà cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số mới bớt đói nghèo đeo bám. Giờ đây đường bê tông đã về tận các thôn, bản người dân được thụ hưởng từ những chính sách của Nhà nước từ đó giúp ổn định cuộc sống, tạo sinh kế giúp giảm nghèo bền vững.