Xã hội

VQG Tà Đùng: Đồng hành cùng người dân giữ gìn “lá phổi xanh”

Phạm Hoài 20/04/2023 - 15:55

Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng được ví như “lá phổi xanh” của Tây Nguyên với hơn 21 nghìn ha rừng, trong đó có hàng nghìn ha rừng đặc dụng. Để giúp hệ sinh thái rừng ngày một phát triển, Ban Quản lý VQG Tà Đùng đã cùng chung tay với người dân bản địa trong công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, từ đó giúp cuộc sống của người dân dần ổn định và yên tâm gắn bó với nghề rừng. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Khương Thanh Long, Giám đốc Ban Quản lý VQG Tà Đùng.

a-1.-ta-dung.jpg
Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Ban Quản lý VQG Tà Đùng

PV: VQG Tà Đùng đã gắn bó mật thiết với người dân bản địa và rừng cũng đang tạo sinh kế để giúp người dân dần ổn định cuộc sống hiện nay ra sao, thưa ông?

Ông Khương Thành Long:

Từ bao đời nay, người dân bản địa sinh sống dưới tán những cánh rừng thuộc VQG Tà Đùng đã được rừng bao bọc, chở che qua bao tháng ngày gian khó, nên với họ rừng hết sức thân thuộc và gần gũi. VQG Tà Đùng nằm ở phía Tây Nam tỉnh Đắk Nông, có diện tích 20.937,7 ha, trong đó có 16.176,65 ha đất có rừng. Đặc biệt, VQG Tà Đùng đã được đánh giá là một trong những khu vực giữ được màu xanh lớn với lớp thảm thực vật rừng rộng chiếm tỷ lệ che phủ tới 85% diện tích vùng lõi. Rừng Tà Đùng còn có vai trò rất quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn của sông Sêrêpốk và sông Đồng Nai. Đây là 2 con sông lớn cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất công - nông nghiệp, điện năng… cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngoài ra, VQG Tà Đùng còn là sự giao thoa của các hệ sinh thái và sinh cảnh phù hợp đã tạo điều kiện cho nhiều loại động, thực vật cư trú, sinh trưởng và phát triển. Hiện tại, VQG Tà Đùng có 574 loài động vật và hơn 1.400 loài thực vật, trong đó có rất nhiều loài thuộc diện quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Nhiều năm qua, đơn vị luôn chú trọng và tích cực tuần tra, bảo vệ rừng để đảm bảo hệ thực vật luôn ổn định, tránh những tác động của con người vào quá trình sinh sống các loại động vật.

Hiện tại, VQG Tà Đùng đang giao khoán bảo vệ hơn 3.000 ha rừng cho 153 hộ dân người dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã Đắk Som, Đắk R’măng (Đắk Glong, Đắk Nông) và xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (Đam Rông, Lâm Đồng). Qua 2 năm triển khai giao khoán, rừng được quản lý, bảo vệ tương đối tốt, hạn chế được các vụ xâm hại tài nguyên rừng, ngăn chặn kịp thời việc lấn chiếm, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép. Phương án giao khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2025 đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho các hộ gia đình sinh sống trong vùng đệm của VQG Tà Đùng với mức thu nhập hơn 12 triệu đồng/năm.

a2.-ta-dung.jpg
Hiểu được những giá trị thiết thực của rừng mang lại, người dân cùng tích cực tham gia công tác trồng rừng

PV: Trong những năm qua, việc Ban Quản lý VQG Tà Đùng giao khoán đất rừng cho người dân địa phương quản lý và bảo vệ đã có những kết quả như thế nào?

Ông Khương Thành Long:

Sau khi người dân địa phương được nhận giao khoán rừng để cùng VQG Tà Đùng quản lý, bảo vệ thì hầu hết các vụ vi phạm lâm luật đều giảm. Trong đó, điều quan trọng nhất là hầu hết người dân ngày một nâng cao được tin thần bảo vệ rừng cũng xác định được còn rừng là còn người còn của nên mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình đều có trách nhiệm cao. Cụ thể, qua 2 năm (2021-2022) triển khai giao khoán, rừng được quản lý, bảo vệ tương đối tốt, hạn chế được các vụ xâm hại tài nguyên rừng, ngăn chặn kịp thời việc lấn chiếm, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép.

a3.-ta-dung.jpg
Có nguồn thu ổn định từ việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng nên người dân yên tâm hơn với công việc

Cùng với đó, công tác phối hợp giữa người dân và lực lượng kiểm lâm cũng luôn được chú trọng triển khai thực hiện đều để hiệu quả ngày một tốt hơn. Cụ thể, cứ mỗi trạm quản lý, bảo vệ rừng, đơn vị sẽ bố trí một lực lượng kiểm lâm nhất định. Tương ứng với các trạm này là các tổ quản lý, bảo vệ rừng. Với việc bố trí hợp lý giữa lực lượng chuyên trách kiểm lâm và nguồn lực từ các tổ nhận khoán, nên công tác tuần tra, phát hiện, xử lý những trường hợp xâm hại rừng luôn được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Cũng qua tuần tra bảo vệ thì chính lực lượng kiểm lâm đã hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nhận khoán từng bước nâng cao nhận thức trong giữ rừng.

Mặt khác, khi các hộ nhận khoán hiểu rõ về giá trị rừng, họ cũng góp phần tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư địa phương hiệu quả hơn. Do đó, trong những năm qua, hàng nghìn ha rừng đặc dụng ở VQG Tà Đùng luôn được quản lý, bảo vệ chặt chẽ. Chính vì vậy, các vụ việc xâm hại rừng thường được người dân cũng như lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

PV: Để công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng ngày một hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển bền vững, Ban Quản lý VQG Tà Đùng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nào, thưa ông?

Ông Khương Thành Long:

Để người người dân bản địa yên tâm với công tác giao khoán quản lý và bảo vệ rừng, điều quan trọng nhất vẫn là bảo đảm thu nhập ổn định. Theo đó, hàng năm, mỗi hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng ở VQG Tà Đùng nhận được từ 15-20 triệu đồng tiền giao khoán. Ngoài ra, nếu người dân tham gia các hoạt động khác như: Trồng rừng, chăm sóc rừng thì còn được hỗ trợ để tăng thêm thu nhập. Có nguồn thu ổn định từ việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng nên người dân yên tâm hơn với công việc. Khi người dân gắn bó với hoạt động giữ rừng cũng sẽ góp phần giúp đơn vị giảm được rất nhiều áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng giai đoạn hiện nay

Cùng với đó, Ban Quản lý VQG Tà Đùng cũng sẽ thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng cùng tuyên truyền, phổ biến cho người dân bản địa hiểu và nắm bắt được các quy định của pháp luậtvề quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, tăng cường xử lý những vụ vi phạm lâm luật; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền để ngày một nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về giá trị của rừng và hệ sinh thái trong VQG Tà Đùng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý VQG Tà Đùng tiếp tục hỗ trợ cho người dân trong công tác tuần tra, kiểm soát nhằm hạn chế tối đa những vụ vi phạm lâm luật, từ đó giúp cho các hộ giao khoán cũng như người dân bản địa có điều kiện tốt nhất để sống nhờ vào những tiện ích cũng như một số giá trị mà rừng mang lại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Hoài