Bạc Liêu: Chú trọng thích ứng BĐKH gắn với giảm nghèo bền vững
(TN&MT) - Trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, tỉnh Bạc Liêu đã ứng dụng kết quả của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong các mô hình sản xuất thuận thiên, từ đó góp phần đảm bảo thu nhập cho người dân địa phương, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Nhiều mô hình hay
Nhằm đảm bảo nguồn thu nhập cho người dân trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng ngày càng gia tăng, các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Bạc Liêu đã nghiên cứu và tìm những giải pháp phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Theo đó, tỉnh đã tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và hướng dẫn, hỗ trợ người dân tận dụng tài nguyên nước mặn để thực hiện mô hình sản xuất lúa - tôm.
Là địa phương cuối nguồn nước ngọt và đối mặt với triều biển Tây, việc đưa nước ngọt về địa bàn TX. Giá Rai phục vụ sản xuất lúa hàng năm là bài toán nan giải đối với các địa phương. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Bạc Liêu tận dụng kết quả cuẩ nhiều công trình khoa học với mô hình nuôi tôm, và trồng lúa. Theo đó, đã hướng dẫn người dân địa phương tận dụng nguồn tài nguyên nước mặn để phát triển mô hình sản xuất. Chính việc chuyển đổi mô hình này đã giúp nhiều người dân sinh sống nơi đây nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Theo tính toán của TX. Giá Rai, hình thức sản xuất 1 vụ lúa - 1 vụ tôm, sau khi trừ các khoản chi phí thì người dân cũng có lãi từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình lúa - tôm, trong năm 2022, TX. Giá Rai đã mở rộng diện tích lên hơn 3.000ha và trong năm 2023, dự kiến sẽ mở rộng thêm 1.000ha sản xuất theo mô hình lúa - tôm, trong đó tập trung ở các xã Phong Tân, Phong Thạnh, Phong Thạnh Đông,…nâng tổng diện tích lúa - tôm trên địa bàn TX. Giá Rai lên 4.000ha.
Các huyện Phước Long, Hồng Dân, Đông Hải cũng đã mở rộng mô hình lúa - tôm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, hơn 70 hộ dân xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải đã chuyển đổi 67ha đất sản xuất kém hiệu quả sang thực hiện mô hình lúa - tôm. Sau một thời gian thực hiện với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các ngành chức năng, đến nay mô hình lúa - tôm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần nâng cao đời sống cho các hộ dân.
Trao đổi với PV, bà Ngô Thị Thủy (ấp Mỹ Điền, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải) phấn khởi cho biết: “Với việc áp dụng mô hình lúa - tôm, mỗi năm sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư, gia đình tôi cũng có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha. Từ nguồn thu này đã giúp cho cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định hơn trước”.
Còn ông Nguyễn Hải Hành (ấp Mỹ Điền, xã Long Điền A) cho rằng, mô hình lúa - tôm không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định giúp nhiều người dân địa phương thoát nghèo mà còn góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc giảm sử dụng các loại phân bón hóa chất trong sản xuất lúa, giúp cải tạo đất; đồng thời, các chất thải từ cây lúa sau thu hoạch bị phân hủy đã tạo nguồn thức ăn tự nhiên giàu dinh dưỡng cho tôm, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Phục vụ giảm nghèo
Theo nhận định của các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu, thời gian tới, địa phương sẽ còn chịu nhiều tác động từ các yếu tố cực đoan của BĐKH, nước biển dâng. Để góp phần giảm thiểu thiệt hại do BĐKH, nước biển dâng gây ra, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang phát triển mô hình lúa - tôm; tăng diện tích đất canh tác trên sinh thái nguồn nước mặn, nước lợ; tập trung triển khai các mô hình tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhất là mô hình nuôi thủy sản thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững cho người dân ở xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình) và xã Long Điền Đông (huyện Đông Hải).
Ông Lê Văn Chí, Trưởng Phòng Nuôi trồng Thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho biết: Sau một thời gian triển khai, mô hình nuôi thủy sản thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững không chỉ giúp nhiều hộ dân ở một số xã thuộc huyện Đông Hải và Hòa Bình có thu nhập ổn định mà còn góp phần bảo vệ môi trường nhờ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi. Với những kết quả đạt được, Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu sẽ nhân rộng mô hình này ra một số địa phương khác, góp phần thích ứng với BĐKH, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mở rộng mô hình mô hình tôm - lúa để bảo đảm sinh kế cho người dân sống ở những vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, tỉnh Bạc Liêu cũng đang tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đê, kè xung yếu và cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp; mở rộng hệ thống cấp nước đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước cho người dân sử dụng, đặc biệt là vào thời điểm mùa khô; đồng thời, cập nhật kịp thời diễn biến các loại hình thiên tai để giúp người dân chủ động bảo vệ an toàn nhà cửa, cây màu.
Hiện tại, tỉnh Bạc Liêu cũng đang tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch các ngành, lĩnh vực cho phù hợp với kịch bản BĐKH, nước biển dâng; góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội ngày càng hiệu quả, bền vững trước tác động từ BĐKH, nước biển dâng.