SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Thừa Thiên - Huế góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Bám sát thực tiễn địa phương

Văn Dinh 20/04/2023 10:31

(TN&MT) - Tại Thừa Thiên - Huế, nhiều ý kiến tham gia đóng góp khá toàn diện, tâm huyết, bám sát với thực tế của địa phương để hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Lãnh đạo tỉnh cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Góp ý sát thực tế

Thời gian qua, cùng với các địa phương trên cả nước, việc lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được các cơ quan, đơn vị, tổ chức... trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành thực hiện, bằng nhiều hình thức như góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử); tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; qua các cổng thông tin; qua website: luatdatdai.monre.gov.vn.

Thừa Thiên - Huế đã tổ chức 188 hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhận được 3.762 lượt ý kiến tham gia góp ý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; tất cả đều được báo cáo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy Phương - Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Sở Tư pháp Thừa Thiên - Huế), hiện một cơ quan nhà nước vừa có thẩm quyền tham mưu giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có thẩm quyền tham mưu quyết định giá đất là bất hợp lý, do dễ dẫn đến sự thiếu khách quan trong xác định giá đất, dễ làm nảy sinh tình trạng áp đặt ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý trong việc định giá đất. Một trong những nguyên nhân cơ bản khác là do các phương pháp xác định giá đất hiện nay mang nhiều tính giả định, phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của đơn vị tư vấn giá đất cũng như cán bộ định giá.

“Nên chăng, trao trách nhiệm xác định giá đất cho một cơ quan độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai nhằm tách bạch thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất với thẩm quyền quyết định giá đất. Việc hoạt động độc lập này tạo nên sự khách quan trong quá trình định giá. Giá đất xác định đảm bảo phù hợp với tính chất, quy mô dự án, điều kiện thị trường thời điểm định giá” - bà Phương góp ý.

Ông Trần Bá Mẫn - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, nguyên tắc bồi thường về đất tại khoản 2, Điều 89 của Dự thảo Luật Đất đai lần này quy định, khi Nhà nước thu hồi đất, phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ. Luật cần làm rõ nội dung đảm bảo ổn định cuộc sống và điều kiện nơi ở mới có đủ hạ tầng cơ sở thiết yếu cho sinh hoạt, tương đương hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

“Thực tiễn là rất khó khăn. Thứ nhất, làm thế nào để đảm bảo về mặt thu nhập tốt hơn nơi ở cũ. Bởi vì không có nội dung quy định là xác định thu nhập trước và sau khi bị thu hồi. Thứ hai, chưa đưa ra tiêu chí xác định cụ thể điều kiện sống như thế nào. Cho nên, nếu chưa xác định được tiêu chí cụ thể, chúng tôi đề nghị nên chỉnh sửa”, ông Mẫn góp ý.

Phát huy nguồn lực đất đai

Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên -Huế cho biết, qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của Dự thảo Luật, đánh giá Dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Các ý kiến góp ý tập trung vào 12 nhóm nội dung, như: Về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; việc thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất; vai trò của Mặt trận và thành viên của Mặt trận, vai trò của UBND cấp xã; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất; việc xử lý các luật có mâu thuẫn, chồng chéo với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); một số vấn đề chưa quy định trong Dự thảo Luật, các ý kiến tiếp tục đề nghị có quy định trong Luật Đất đai.

4.jpg
Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Quý Phương cho rằng, hiện nay pháp luật đất đai đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, chính sách pháp luật đất đai vẫn chưa theo kịp... Do đó, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

“Các góp ý Dự thảo Luật sẽ góp phần giải quyết các chồng chéo, vướng mắc trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Tỉnh đã tổng hợp các ý kiến để góp ý các cấp, các ngành có liên quan trong việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi)”, ông Phương nhấn mạnh.

Văn Dinh