Biến đổi khí hậu

Giảm Phát thải khí nhà kính trong ngành xi măng: Khó vẫn phải làm

Khánh Ly (Thực hiện)

Khánh Ly (Thực hiện)

20/04/2023 - 10:31

(TN&MT) - Hiện nay, 100% các nhà máy sản xuất xi măng phải báo cáo số liệu hoạt động và thông tin liên quan để phục vụ kiểm kê khí nhà kính hằng năm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Áp lực giảm phát thải khí nhà kính tất yếu sẽ đặt ra những thách thức cho ngành trong thời gian tới. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn PGS.TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam.

3-2-.jpg
PGS.TS. Lương Đức Long - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam

Theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, các dây chuyền công nghệ sản xuất đã đầu tư hay đầu tư mới đều phải giảm phát thải xuống từ 650 kg CO2/tấn xi măng trở xuống vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, đến hết năm 2025, 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải; sử dụng tối thiểu 20% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clanhke và làm phụ gia trong sản xuất xi măng - và tăng lên 30% vào năm 2030. Việc sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 15% tổng nhiên liệu dùng để sản xuất clanhke xi măng.

PV: Ngành xi măng được đánh giá là có lượng phát thải khí nhà kính lớn, điều này xuất phát từ nguyên nhân nào, thưa ông?

PGS.TS Lương Đức Long: Ngành xi măng có 3 nguồn phát thải chính, bao gồm: phát thải từ nguyên liệu sản xuất clanhke, xi măng; phát thải từ nguồn nhiên liệu nung và phát thải gián tiếp từ việc sử dụng điện.

Sản xuất xi măng khó giảm phát thải xuất phát từ chính đặc điểm của ngành, và đã được thế giới công nhận. Loại xi măng chiếm tới 99% sản lượng toàn cầu hiện nay là xi măng Portland. Theo Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), sản xuất 1 tấn clanhke (một thành phần cơ bản của xi măng Portland) phát thải tới 57% CO2 từ nguyên liệu và không thể thay đổi được.

Trong gần 100 năm qua, các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều loại xi măng thay thế cho xi măng Portland, giảm hàm lượng clanhke nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đến nay, chưa có loại xi măng nào thay thế được xi măng Portland. Việc giảm hàm lượng clanhke trong xi măng cũng không đạt được kỳ vọng vì xi măng là một loại hàng hóa, người tiêu dùng không chấp nhận loại xi măng chứa ít clanhke. Nếu thị trường không chấp nhận loại xi măng mới và không mua xi măng ít clanhke thì việc ứng dụng cũng không khả thi. Các nhà khoa học về vật liệu xây dựng dự báo, đến hết thế kỉ này, các công trình vẫn sẽ sử dụng chủ yếu là xi măng Portland.

Hiện nay, sản xuất 1 tấn clanhke ở Việt Nam đang phát thải khoảng 905 kg CO2. Trong đó, phát thải từ nguyên liệu đầu vào đã chiếm 525 kg CO2/tấn clanhke; phần năng lượng cần cung cấp cho các phản ứng hóa học tạo ra 1 tấn clanhke cũng phát thải ra khoảng 179 kg CO2. Như vậy, khoảng dư địa để giảm phát thải chỉ còn 201 kg CO2/tấn clanhke cho giảm tiêu thụ điện năng và nhiệt năng.

PV: Sắp tới, châu Âu sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) nhằm đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu vào châu Âu có lượng phát thải lớn, trong đó có xi măng. Điều này có ảnh hưởng như thế nào tới các doanh nghiệp xi măng của Việt Nam, thưa ông?

PGS.TS Lương Đức Long: Thực tế, lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam vào châu Âu chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của Việt Nam. Hơn nữa, Nhà nước không khuyến khích xuất khẩu xi măng mà chủ trương đầu tư xi măng dành cho tiêu thụ trong nước, phần xuất khẩu chỉ để cân đối cung - cầu khi nhu cầu trong nước sụt giảm.

Tác động chủ yếu của CBAM là thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính tại các doanh nghiệp xi măng của Việt Nam. Điều này cũng nhằm thực hiện các quy định của Chính phủ trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hiện nay, 100% các nhà máy sản xuất xi măng phải báo cáo số liệu hoạt động và thông tin liên quan để phục vụ kiểm kê khí nhà kính, theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn (Nghị định 06), Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (Quyết định số 01).

Như tôi đã chia sẻ, giải pháp giảm phát thải hiệu quả nhất là giảm tiêu thụ điện năng/sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng nhiên liệu đốt thay thế. Cụ thể là tái sử dụng nhiệt thải lò nung để phát điện và dùng rác thải thay cho than đốt.

Công nghệ sử dụng nhiệt thải có thể giúp các nhà máy tự túc từ 25 - 30% nhu cầu điện. Dù phát thải từ điện không lớn nhưng đó cũng thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp. Hiện nay, Hiện nay, đã có 40% nhà máy xi măng có công suất thiết kế ≥ 2.500 tấn clanhke/ngày đã lắp đặt thiết bị thu hồi nhiệt thải này.

Về sử dụng nhiên liệu đốt (chiếm 36 - 37% tổng phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng), các nhà máy của Việt Nam vẫn dùng than là chủ yếu. Nếu thực hiện cơ chế CBAM, doanh nghiệp châu Âu có lợi thế nhờ việc bù trừ phát thải các-bon do dùng rác làm nhiên liệu đốt lò nung xi măng. Trên thực tế, tổng phát thải của họ chỉ thấp hơn một chút so với Việt Nam (khoảng 850kg CO2/tấn clanhke so với 905kg CO2/tấn clanhke).

Về tiềm năng tại Việt Nam, theo số liệu từ cơ quan chức năng, cả nước hiện thải ra khoảng 60 nghìn tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Lượng rác thải trên cả nước chứa năng lượng tương đương với 6 triệu tấn than cám/năm dùng cho xi măng. Dù không thể tận dụng hết lượng nhiệt này cho sản xuất xi măng nhưng đây vẫn là nguồn năng lượng có thể khai thác tốt. Hiện nay, một số nhà máy xi măng đã sử dụng rác thải thay thế than, tuy nhiên, đó mới chỉ là loại rác thải công nghiệp chứa năng lượng lớn.

3-1-.jpg

Trong 5 năm gần đây, sản lượng sản xuất xi măng tại Việt Nam đạt xấp xỉ 100 triệu tấn/năm, sản lượng clanhke đạt khoảng 80 triệu tấn/năm.

Xi măng chiếm tới ¾ tổng lượng phát thải khí nhà kính của ngành sản xuất vật liệu xây dựng (năm 2020), hiện, có 50 cơ sở sản xuất xi măng sẽ thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính và đến năm 2026 sẽ bắt buộc thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính để đáp ứng hạn ngạch phát thải, trước khi được phép tham gia thị trường tín chỉ các-bon trong nước.

PV: Doanh nghiệp xi măng gặp khó khăn gì khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính, thưa ông?

PGS.TS Lương Đức Long: Theo tôi, cần phải có quy định thống nhất về phương pháp, công cụ kiểm kê khí nhà kính cho các doanh nghiệp, trong đó có các hệ số phát thải cụ thể để doanh nghiệp dựa vào đó tính toán lượng phát thải.

Về mặt số liệu, tôi nghĩ không có khó khăn gì bởi doanh nghiệp trong ngành sản xuất xi măng vẫn thường xuyên phải tính toán kỹ lưỡng định lượng các loại nhiên, nguyên vật liệu.

PV: Làm thế nào để thúc đẩy giảm phát thải trong sản xuất xi măng, thưa ông?

PGS.TS Lương Đức Long: Ngành sẽ cần tiếp tục đẩy nhanh các thành tựu đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục giảm suất phát thải khí nhà kính trong sản xuất clanhke và xi măng theo Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng thời kì 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Cơ quan quản lý cần phải có chính sách khuyến khích cụ thể cho các nhà sản xuất xi măng, xây dựng cơ chế tính bù trừ mức phát thải các-bon khi sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, đặc biệt là khi sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế nung clanhke xi măng. Đây là giải pháp tốt, nhưng hiện nay, việc tập hợp, xử lý sơ bộ rác thải thành nhiên liệu thay thế cho ngành xi măng ở Việt Nam còn rất khó khăn về nguồn và cách tổ chức sơ chế, cung cấp. Ngành cũng cần những giải pháp về hỗ trợ giá từ Nhà nước và các đơn vị phát thải, góp phần hình thành thị trường các-bon trong nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly (Thực hiện)