Phát triển cây trồng xóa đói giảm nghèo ở Vũ Quang

Kinh tế - Ngày đăng : 16:09, 18/04/2023

Cùng với phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai khí hậu, kinh nghiệm trồng trọt của người dân, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang có chính sách, kế hoạch để đưa cây Mắc ca- Một loại cây lâm nghiệp lấy quả phát triển có vị thế trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho người dân

Phát triển cây trồng xóa đói giảm nghèo ở Vũ Quang

Cùng với phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai khí hậu, kinh nghiệm trồng trọt của người dân, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang có chính sách, kế hoạch để đưa cây Mắc ca- Một loại cây lâm nghiệp lấy quả phát triển có vị thế trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho người dân

Sở hữu vị trí đất đồi đẹp, cách đây sáu năm, ông Lương Sỹ Luyện thôn 1 xã Sơn Thọ và ông Nguyễn Xuân Tùng thôn Hợp Bình xã Hương Minh huyện Vũ Quang đã trồng thử trên 700 cây mắc ca và hiện nay đã cho quả. Qua thực tế, dù trồng thử nghiệm, không chú tâm đầu tư chăm sóc nhưng cây vẫn phát triển khá tốt, cho năng suất khá cao.

Chia sẽ của ông Nguyễn Xuân Tùng, hằng năm mỗi cây cho trên 5kg quả, với giá quả tươi trên thị trường 100 ngàn đồng/1kg, tính ra thu về 500 ngàn đồng/ cây. Mặt khác, nếu các hộ gia đình mua được cây giống đảm bảo, rõ nguồn rốc, được chăm sóc tốt thì năng suất sẽ tăng gấp ba đến bốn lần so với hiện tại.

anh-1.-mac-ca.jpg
Cây Mắc ca được trồng tại huyện Vũ Quang

Với khát khao thoát nghèo, vươn lên làm giàu, qua tìm hiểu một số khu vực Miền trung, Tây nguyên trồng thành công cây Mắc ca nhận thấy đều có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với Hà Tĩnh nên một số hộ dân ở huyện Vũ Quang tiếp tục mạnh dạn mua giống về trồng. Điển hình như hộ ông Nguyễn Mạnh Bá, thôn Hương Tân, xã Đức Hương đã mua 400 cây giống về trồng, sau gần hai năm cây đã phát triển tốt.

Cây Mắc ca có tên khoa học là Macadamia, là một cây thân gỗ có nguồn gốc từ châu Đại dương, thuộc họ Proteaceae, dễ trồng, vốn đầu tư, công chăm sóc ít, cây phù hợp với vùng đất đồi núi, chống hạn cao, ít bị sâu bệnh phá hoại, việc tiêu thụ khá dễ, giá thành khá cao. Hạt Mắc ca có giá trị sử dụng cao, 90% được dùng làm thực phẩm, như: bơ mắc-ca, sôcôla, kem, bánh... và làm thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm; còn phần vỏ quả được dùng làm phân bón, nhiên liệu...

anh-2.-mac-ca.jpg

Huyện Vũ Quang lựa chọn và đưa giống Mắc ca có năng suất hạt cao vào trồng theo chuỗi giá trị

Trước tiềm năng đó, huyện Vũ Quang đã phối hợp với các chuyên gia nông nghiệp và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam về khảo sát, đánh giá khí hậu, thổ nhưỡng nhận thấy nơi đây hội tụ đủ thuận lợi để phát triển. Cùng với đó, huyện Vũ Quang đã tiến hành tổ chức tập huấn cho gần gần 200 cán bộ, người dân để giới thiệu về thị trường Mắc ca trong nước và trên thế giới; quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Mắc ca.

Trong quá trình triển khai phát triển Cây Mắc tại huyện Vũ Quang, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Mắc Ca Việt Nam, cho biết: “Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ tiến hành giúp người dân khảo sát vùng đất phù hợp để trồng, đồng thời hướng dẫn quy trình kỷ thuật chặt chẻ cho các hộ dân và cung cấp giống đảm bảo. Cam kết sau 6 năm trồng nếu cây không ra quả sẽ đền bù gấp 12 lần so với giá cây giống người dân mua ban đầu, đồng thời sẻ thu mua toàn bộ sản phẩm quả tươi và khô bằng 80% giá thị trường”.

anh-3.-mac-ca.jpg

Lãnh đạo huyện Vũ Quang tham quan, học hỏi mô hình trồng cây Mắc ca tại Nghệ An

Được biết, Vũ Quang hiện có hơn 3.000 ha đã được trồng cây ăn quả, ngoài ra nhiều diện tích đất đồi đang được người dân trồng cây keo lấy gỗ nguyên liệu. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu diện tích đất rừng này được chuyển đổi trồng cây Mắc ca sẻ cho hiệu quả kinh tế cao, bởi theo tính toán mỗi ha cây keo sau sáu năm trồng và thu hoạch trung bình được 60 triệu đồng, trong khi đó mỗi ha cây Mắc ca sau năm năm trồng sẻ cho từ 250 đến 300 triệu đồng.

Bằng phép tính như vậy, người dân cho rằng nếu trồng rừng keo sau sáu năm thu hoạch xong phải trồng lại, còn trồng cây Mắc ca chỉ trồng mỗi lần và cho thu hoạch liên tục lâu dài. Điều này cho thấy trồng cây Mắc ca vừa mang lại giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo được môi trường, chống xói mòn, sạt lỡ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), khẳng định: “Với chủ trương khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung vào đa cây đa con có hiệu quả kinh tế cao. Qua khảo sát, đánh giá và triển khai một cách bài bản, khoa học, huyện Vũ Quang đã triển khai xây xây dựng kế hoạch trồng thử nghiệm 25 ha cây mắc ca nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp có giá trị trên địa bàn”.

Cùng với đó, để lựa chọn và đưa giống mắc ca có năng suất hạt cao vào trồng theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và đảm bảo đầu ra cho người dân. Được sự tư vấn của Chi hội Mắc ca Nghệ An, thuộc hiệp hội Mắc ca Việt Nam, huyện Vũ Quang đã chọn Công ty TNHH TM&DV Bảo Ngọc là đơn vị cung ứng giống và các loại vật tư, phân bón, đồng thời sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân.

anh-4.-mac-ca.jpg
Huyện Vũ Quang triền khai trồng 25 ha cây Mắc ca

Phấn khởi với chủ trương và chính sách mới, những ngày qua bà con nhân dân các địa phương trong huyện đã tập trung nhận giống, tiến hành trồng cây theo đúng quy trình kỹ thuật. Mô hình 25 ha với 86 hộ dân đăng ký tham gia ở tất cả 10 xã, thị trấn trên toàn huyện với tổng 10.000 cây, đến nay các hộ đã cơ bản trồng xong.

Đặc biệt, để khuyến khích người dân tham gia mô hình trồng thử nghiệm, huyện Vũ Quang đã ban hành đề án hỗ trợ 40% giá cây giống, tương đương 26.000 đồng/cây (giá chưa hỗ trợ là 65 nghìn đồng/cây). Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ 50% giá phân bón.

“Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự năng động, mạnh dạn của các hộ dân, tin tưởng rằng cây mắc ca sẽ bám rễ nhanh và cho năng suất, hiệu quả. Trong thời gian không xa, cây Mắc ca sẽ có vị thế trên địa bàn huyện miền núi Vũ Quang”, ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Đức Cảnh