Giữ nghề dệt thổ cẩm Tây Nguyên

Xã hội - Ngày đăng : 16:06, 31/08/2018

(TN&MT) - Từ ngày xưa, dệt thổ cẩm là 1 nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc Mnông, Mạ, Ê đê,… trên vùng đất Tây Nguyên nhiều nắng gió. Trải qua bao cuộc chiến tranh đến nay dệt thổ cẩm được xem như một nét văn hoá đặc trưng.

Cầm tay dạy việc duy trì truyền thống

Đối với đồng bào các dân tộc M'nông, Mạ, Ê đê ở Đắk Nông nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, dệt thổ cẩm là một nghề thủ công truyền thống và luôn gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt trở thành nét tinh hoa truyền thống đặc sắc của họ. Để tìm hiểu rõ hơn về những giá trị truyền thống đó, chúng tôi tìm đến bon Bu Kýh, xã Đắk Rth (Tuy Đức, Đắk Nông).

Tại đây, điều làm chúng tôi khá bất ngờ là nhiều gia đình vẫn có những khung dệt và có một số phụ nữ lớn tuổi đang hướng dẫn cho con, cháu dệt các họa tiết trên một bộ áo quần truyền thống của người MNông. Trao đổi với chúng tôi, một phụ nữ người MNông vui vẻ cho biết, bản thân biết dệt từ lúc còn nhỏ nhờ ông truyền dạy và bây giờ khi nào rảnh lại hướng dẫn lại cho thế sau.

220230228075939.jpg
Phụ nữ lớn tuổi đang hướng dẫn cho con, cháu dệt các họa tiết trên một bộ áo quần truyền thống

Ngồi gần đó, một phụ nữ có tên là HDoan 23 tuổi đang cặm cụi theo dõi người bà dệt để học thêm. Chị HDoan cho biết: “Tôi mới biết dệt khoảng 3 năm trở lại đây, trước đây thích lắm những không có điều kiện học. Đến năm 2013, xã Đắk Rtíh tổ chức lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Sau 3 tháng học tập, tôi đã có thể dệt nên những tấm vải mình yêu thích".

Qua tìm hiểu thông tin từ lãnh đạo UBND xã Đắk Rtíh, từ năm 2010 đến nay, được sự quan tâm của chính quyền, ngành chức năng, xã đã mở được 32 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm. Mỗi lớp học kéo dài trong khoảng 3 tháng, thu hút rất nhiều chị em tham gia học hỏi, nâng cao tay nghề. Tất cả các chị em sau khi được học nghề đều tự trang bị cho mình một khung cửi, những lúc rảnh rỗi lại say sưa dệt nên những sản phẩm thổ cẩm.

Phát huy tốt giúp hỗ trợ về kinh tế cho bà con

Tại buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút), đồng bào Ê đê cũng đã trở lại với nghề dệt thổ cẩm, mỗi gia đình đều có từ 1 - 2 khung dệt. Ban ngày, bà con lên rẫy chăm bón cây trồng, ban đêm về tranh thủ dệt vải. Điều đáng mừng là chị em trong buôn không chỉ làm được các sản phẩm đơn giản mà một số loại phức tạp như khăn choàng, áo gối, vải trải bàn cũng được thực hiện một cách thành thục, với những hoa văn đặc sắc,đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình. Một số sản phẩm dệt đẹp, đạt chất lượng tốt được huyện chọn đưa đi trưng bày tại các hội chợ, triển lãm.

hinh-1.jpg

Khung dệt cũng rất đa dạng

Chị HVân ở buôn Nui đáp phấn khởi nói: “Nếu chuyên làm nghề dệt thì cũng sống gia đình. Một số sản phẩm được, một bộ áo váy có giá khoảng 350.000 đồng, dệt trong khoảng 4 - 5 ngày, trừ ttiền vốn mua sợi chỉ cũng được 280.000 đồng tiền công. công. Nếu mỗi tháng dệt được 5 bộ, cũng có được chừng hơn 1 triệu đồng”.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, trong khuôn khổ thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống các dân tộc tại chỗ tỉnh”, ngành cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp truyền dạy dệt thổ cẩm và thu hút đông đảo học viên là chị em tham gia. Thông qua đó, đồng bào các dân tộc Mnông, Mạ, Ê đê đã tiếp nối và bảo tồn được nhiều hoa văn độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của dân tộc mình.

Phạm Hoài