Du lịch thích ứng thời tiết: Giải pháp giúp Tân Hoá giảm nghèo bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 15:45, 18/04/2024
Du lịch gắn với lũ lụt
Xã Tân Hóa có diện tích 72.4 km², nằm ở phía Đông của huyện Minh Hóa, trong thung lũng rộng lớn và bằng phẳng, được bao bọc bởi dãy núi đá vôi trùng điệp. Uốn lượn giữa thung lũng là con sông Rào Nan - dòng sông chia thung lũng thành hai bờ, nơi cư dân Tân Hóa tập trung định cư. Xã có dân số khoảng 3300 người và tất cả đều là người Nguồn. Đây là một cộng đồng thuộc nhóm Việt - Mường gồm 35 ngàn nhân khẩu sinh sống ở huyện Minh Hóa. Người Nguồn hiện chưa được công nhận là một dân tộc trong những dân tộc của Việt Nam.
Những năm 2010 trở về trước, cứ mỗi mùa lũ đến, người dân Tân Hóa phải chạy lên các lèn núi để tránh lũ. Họ trở về nhà khi tất cả mọi tài sản, của cải đều đã ngổn ngang bùn đất. Phải đến sau cơn đại hồng thủy 2010, để chung sống với lũ, người dân nơi đây đã sáng chế ra mô hình nhà nổi. Mỗi nhà rộng khoảng 20m2, làm bằng gỗ hoặc tôn và có hệ thống thùng phuy được cột chặt bên dưới, giúp cho ngôi nhà có thể nổi được khi nước lũ dâng cao.
Từ những ngôi nhà ban đầu được xây dựng, đến nay, đã có hơn 700 căn nhà nổi trong số hơn 715 hộ dân ở Tân Hóa. Trong đó, có 90 căn nhà với tổng trị giá 3 tỷ đồng được tài trợ bởi chương trình cuộc đua “Thử thách Tú Làn” do Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) tổ chức. Nước lũ dâng đến đâu, nhà nổi đến đó. Những căn nhà nổi trở thành nơi trú ẩn an toàn cho người tài sản trước sức mạnh của những con nước lớn.
Với Tân Hóa, nhà nổi không ở chỉ là tài sản, là cứu cánh trước thiên tai mà đã là một nét đặc trưng, hiếm nơi nào có được. Không giống như những vùng “rốn lũ” ở Quảng Ninh, Lệ Thủy, lũ ở Tân Hóa khá yên bình bởi nước lũ không có sóng lớn. Trong mưa lũ, người dân có thể sống bình thản trên những căn nhà nổi và di chuyển an toàn bằng những chiếc thuyền nhỏ. Gắn bó gần 1 thập kỷ, hiểu rõ đời sống của bà con nơi đây, Oxalis đã nảy ra ý tưởng biến những căn nhà nổi này trở thành một sản phẩm du lịch ấn tượng ngay trong mùa mưa lũ.
Đến Tân Hoá, khách du lịch có thể trải nghiệm an toàn trong mùa mưa lũ như ở nhà nổi, thả lưới, câu cá, chèo thuyền kayak vượt lũ, vượt suối chinh phục hang động, ngắm cảnh quan mùa lụt, trải nghiệm cuộc sống của người dân. Đặc biệt, công ty du lịch Oxalis vừa phối hợp với Sở Du lịch Quảng Bình đưa khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge và tour lái xe địa hình ATV khám phá rừng lim Tân Hóa vào hoạt động. Những sản phẩm du lịch mới, độc đáo này đưa Tân Hóa trở thành một điểm đến khám phá hấp dẫn.
Ông Benjamin Edward Leslie, một du khách Australia đánh giá: “Đây thực sự là một chuyến đi tuyệt vời của chúng tôi, các hang động nơi đây, thức ăn, hoạt động cắm trại, tất cả mọi thứ thật sự ấn tượng, thú vị ngoài sự mong đợi. Đến đây chúng tôi được hoà nhập vào cuộc sống mùa lũ của người dân và thưởng thức những món ăn đặc trưng đó là một trải nghiệm tuyệt vời”.
Ngoài ra, từ năm 2011, Oxalis đã được cấp phép khảo sát và chạy thử nghiệm các tour du lịch khám phá mạo hiểm tại khu vực Hệ Thống Hang Động Tú Làn, xã Tân Hoá. Đến năm 2014, tuyến du lịch khám phá Tú Làn chính thức được vận hành với 9 tour, cùng nhiều loại hình khác nhau, phù hợp với các đối tượng khách hàng trong và ngoài nước. Tại đây có những tour từ mức độ dễ dàng, phù hợp với đối tượng khách gia đình, cho đến những tour thám hiểm mức độ khó, phù hợp với những khách hàng năng động và ưa thử thách giới hạn bản thân.
Nâng cao thu nhập từ du lịch
Minh Hoá là huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình, có đường biên giới 89 km với nước bạn Lào. Toàn huyện có 14 xã và 1 thị trấn với dân số trên 49 nghìn người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số và các dân tộc ít người Bru - Vân Kiều, Chứt với 6.500 người. Các số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2022, huyện Minh Hóa còn 2.546 hộ nghèo trong tổng số 14.153 hộ, chiếm tỷ lệ 17,99%, giảm 910 hộ nghèo và giảm 6,5% so với năm 2021.
Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như đời sống của nhân dân xã Tân Hoá nói riêng và huyện Minh Hoá nói chung còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Việc chính quyền và người dân Tân Hoá tìm đến hướng phát triển du lịch cộng đồng thích ứng thời tiết được nhiều chuyên gia về biến đổi khí hậu đánh giá cao. Bởi các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, tình hình thiên tai có xu hướng tịnh tiến theo hướng cực đoan sẽ ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị cho kịch bản có nhiều hạn hán và lũ lụt hơn trong thập kỷ tới đây.
Trong bối cảnh đó, nói về việc phát triển ngành du lịch thích ứng thời tiết ở Tân Hoá, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho rằng, du lịch là một ngành kinh doanh, mà đã là kinh doanh thì phải tránh vấn đề gián đoạn. Trong khi đó, thời tiết là một trong những yếu tố gây nên sự gián đoạn đó. Vì vậy, sự chuẩn bị sẵn sàng với các thời tiết cực đoan là việc cực kỳ cần thiết. Thời tiết ở Quảng Bình khá đặc thù khi có những tháng mùa mưa lũ rất rõ ràng. Trong thời gian này, đa số ngành du lịch sẽ đóng cửa hoặc những người khách có xu hướng không muốn đi du lịch vào mùa có thiên tai, bão lũ.
“Vậy thì ngành du lịch phải thích ứng và phải thay đổi hình thức. Không ai muốn đóng cửa một cơ sở du lịch với hàng trăm lao động trong vài ba tháng trời. Vì vậy, đòi hỏi phải khai thác các hình thức du lịch phù hợp với thời tiết”, TS. Nguyễn Ngọc Huy nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, tại Tân Hóa, nếu lũ lên 7-10 ngày, người dân vẫn có thể bảo đảm điều kiện an toàn, đủ thực phẩm để phục vụ du khách trải nghiệm vì họ có nhà phao, có phương tiện di chuyển. Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Nếu chúng ta không mạnh dạn thử nghiệm và không biến thử nghiệm thành mô hình nhân rộng thì sẽ không có cơ hội phát triển. Nếu như thử nghiệm thành công ở Tân Hóa, chúng ta hoàn toàn có thể nhân rộng ở các địa bàn khác.
Với việc phát triển mô hình du lịch tại Tân Hoá, Oxalis đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 120 lao động, bao gồm 20 nhân viên toàn thời gian và 100 nhân viên thời vụ. Họ tham gia các khóa tập huấn và đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn. Những người có năng lực sẽ được tài trợ đào tạo thành hướng dẫn viên, đầu bếp, nhân viên điều hành và lễ tân tại khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge. Với mức thu nhập bình quân dao động từ 6 đến 8 triệu đồng cho 14 - 16 ngày làm việc mỗi tháng, cư dân địa phương làng Tân Hóa vừa có thể hợp tác với Oxalis để phục vụ khách du lịch vừa có thể làm công việc đồng áng hay chăm sóc gia đình.
Ngày nay, đến Tân Hóa sẽ thấy những ngôi nhà được xây bằng gạch kiên cố với mái ngói hiện đại, xen lẫn những ngôi nhà 2 tầng khang trang, dần thay thế cho những ngôi nhà gỗ truyền thống. Những ngôi trường được xây cao tầng, khang trang và rộng rãi hơn. Cơ sở vật chất cũng được tăng cường tài trợ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Người dân nơi đây hiểu rằng, chỉ có bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và góp phần chống biến đổi khí hậu thì mới tránh được thiên tai, bão lụt. Trong tương lai không xa, những đứa trẻ người Nguồn của Tân Hóa được học trong những ngôi trường khang trang sẽ vươn mình bay xa, trở thành những kỹ sư, bác sĩ hay hướng dẫn viên du lịch, trở về cống hiến cho quê hương.
Tân Hóa - mảnh đất hội tụ đầy đủ sự hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên cũng như nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người Nguồn, là một điểm đến du lịch rất hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Trung bình mỗi năm, mảnh đất này chào đón hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan và khám phá các tuyến du lịch thám hiểm.