Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giải quyết được nhiều bất cập, tồn tại
(TN&MT) - Sau thời gian tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các tổ chức, cá nhân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND TP. Đà Nẵng đã có Báo cáo số 44/BC-UBND ngày 15/3/2023 gửi Bộ TN&MT.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng về một số nội dung mà dư luận quan tâm trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
PV: Xin ông cho biết việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Lê Trung Chinh: Thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 52/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Công tác triển khai góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên địa bàn thành phố và phê duyệt Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 12/01/2023 về việc ban hành Kế hoạch triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Việc triển khai lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn TP. Đà Nẵng được thực hiện qua nhiều hình thức, điển hình như sau: (1) Hình thức trực tiếp: Thảo luận tại các Hội nghị, Hội thảo, Tọa đàm theo từng địa phương, từng lĩnh vực do cơ quan có trách nhiệm tổ chức; Người dân góp ý trực tiếp với UBND xã, phường để tổng hợp ý kiến báo cáo UBND quận, huyện. (2) Hình thức gián tiếp: Lấy ý kiến thông qua việc góp ý bằng văn bản. (3) Hình thức trực tuyến: Góp ý kiến thông qua Cổng thông tin điện tử của thành phố; trang thông tin điện tử của các sở; các phương tiện truyền thông, mạng xã hội (Zalo, Facebook, ứng dụng di động…), khảo sát trực tuyến.
PV: Ông có thể chia sẻ về kết quả lấy ý kiến của Đà Nẵng? Qua những ý kiến đóng góp đã nêu bật những vấn đề gì mà nhân dân Đà Nẵng quan tâm và góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?
Ông Lê Trung Chinh: Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến gửi đến, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở TN&MT tổng hợp các ý kiến một cách trung thực, đầy đủ và khách quan. Theo kết quả tổng hợp, để góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan, tổ chức trực thuộc đã tổ chức hơn 200 hội nghị, hội thảo; đã nhận được 638 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân. Đến thời điểm hiện nay, công tác tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã hoàn thành và đã có Báo cáo số 44/BC-UBND ngày 15/3/2023 gửi Bộ TN&MT.
Qua 638 lượt ý kiến ghi nhận từ các tổ chức, cá nhân, các nội dung liên quan đến: Tài chính về đất đai, giá đất; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất… là những nội dung nhận được nhiều lượt ý kiến tham gia góp ý của các tổ chức, cá nhân.
PV: Với tư cách là Chủ tịch UBND thành phố, ông nhận xét thế nào, đồng thời, có ý kiến đóng góp gì cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?
Ông Lê Trung Chinh: Nội dung Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đảm bảo cụ thể hóa các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách pháp luật đất đai nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) xác lập được cơ chế kiểm soát của Nhà nước và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, đồng thời giải quyết những bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và mang tính dự báo, ổn định lâu dài của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Báo cáo kết quả khảo sát, lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Trung tâm thông tin dịch vụ công (Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng), nhiều người dân dành lời khen ngợi đến thành phố, các cấp chính quyền đã lắng nghe ý kiến của dân, đã kết nối với người dân qua các kênh thông tin điện tử, cảm nhận được càng ngày người dân càng gần với chính quyền hơn.
Mặc dù Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định mới, giải quyết được nhiều vấn đề còn bất cập so với Luật cũ, tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung cần phải được nghiên cứu sâu và có hiệu chỉnh, bổ sung rõ ràng, phù hợp hơn.
Ngoài ra, Luật Đất đai (sửa đổi) còn liên quan đến nhiều Luật khác hiện hành, do đó, khi sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét không có những quy định chồng chéo giữa các Luật khác, đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật Đất đai với một số Luật khác liên quan.
Tại TP. Đà Nẵng, các vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc về pháp lý đất đai, xây dựng, đầu tư của các dự án qua quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án đã được thành phố tổng hợp, phân tích và báo cáo các cơ quan Trung ương; đồng thời đã đóng góp vào việc xây dựng Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”.
Do vậy, tại Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND thành phố đã giao nhiệm vụ các sở, ban, ngành, địa phương; đặt hàng các chuyên gia, Viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp… nghiên cứu, chuẩn bị nội dung ý kiến, báo cáo tham luận tại các Hội thảo; rà soát, phân tích, chỉ rõ từng điều khoản quy định tại Dự thảo Luật Đất đai có liên quan đến từng sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ; cố gắng nêu tất cả các vấn đề thực tiễn tại TP. Đà Nẵng để Ban soạn thảo tham khảo, nghiên cứu và hoàn thiện, giúp TP. Đà Nẵng sớm tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý đất đai trong thời gian vừa qua.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!